Kỳ vọng tín dụng khu công nghiệp
Thống kê của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho vay vào các khu công nghiệp - chế xuất, trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng nhanh. Riêng trong giai đoạn (9/2020 -11/2023), dư nợ cho vay các khu công nghiệp - chế xuất tăng từ mức 17.900 tỷ đồng lên mức 67.600 tỷ đồng.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho biết, so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dư nợ tín dụng khu công nghiệp có mức tăng rất nhanh. Đặc biệt, từ những tháng cuối năm ngoái, cho vay vào khu vực này đã tăng thêm 11.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng (từ tháng 8-11/2023) có 3.000-4.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay vào các dự án xây dựng hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp. Mặc dù quy mô tổng dư nợ chưa lớn, tỷ trọng chiếm khoảng 6,6% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp chỉ là 160%; trong khi hệ số rủi ro tín dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản là 200%.
Theo các chuyên gia, việc giảm hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản khu công nghiệp sẽ mở đường cho dòng vốn chảy nhiều hơn vào lĩnh vực này.
Theo quan sát trên thị trường, nhu cầu vốn ở các khu công nghiệp - chế xuất tăng do hạ tầng trong nội khu đã định hình, doanh nghiệp rất thuận lợi trong vay vốn ngân hàng sản xuất kinh doanh. Cụ thể: tính đến cuối 2023, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh khoảng hơn 10,5% so với năm 2022. Hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã đóng góp hơn 4.600 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp - chế xuất.
Nhiều NHTM cũng đã đưa ra các chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Chẳng hạn, Agribank có gói vay ưu đãi cho các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi cho thuê với mức lãi suất trung dài hạn cố định 7,3%/năm trong hai năm đầu. VietinBank có gói vay 15.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp. TPBank, VietBank và Techcombank đồng thời cung cấp các gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành nhựa với mức lãi suất thấp hơn so với các khoản vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm.
Airbus mới đây dự báo nhu cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần khoảng 400 máy bay chở hàng thân rộng trong 20 năm tới, bao gồm máy bay mới và máy bay được chuyển đổi công năng. Airbus và ST Engineering mở trung tâm bảo trì C295 - loại máy bay Không quân Việt Nam sử dụng sẽ mở ra nhiều cơ hội về đầu tư trong khu vực. Với xu hướng dịch chuyển đầu tư trong khu vực, các chuyên gia kinh tế nhận định, số dự án tăng mạnh cùng với sự xuất hiện của dự án quy mô lớn là một trong những yếu tố thúc đẩy các tổ chức tín dụng mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Đây cũng là động lực để các địa phương xúc tiến triển khai các chương trình ưu đãi hỗ trợ đầu tư, trong đó các ngân hàng có cơ hội mở rộng kinh doanh.
Điều này phù hợp với kết quả khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê NHNN thực hiện vào quý IV năm 2023 khi các tổ chức tín dụng đều nhận định nhu cầu vay phát triển công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ tăng trưởng mạnh. Trong các tháng đầu năm 2024 các lĩnh vực kinh tế được dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng bao gồm: bán buôn bán lẻ, xuất nhập khẩu, sản xuất đồ uống và xây dựng.
Theo các chuyên gia tại Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2024 nhóm lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ sẽ có sự phát triển mạnh tại các khu, cụm công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như kinh tế xanh, các khu công nghiệp sinh thái đã và đang xây dựng sẽ có nhiều lợi thế để cạnh tranh hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, bao gồm cả chính sách ưu đãi tín dụng.
Để khuyến khích phát triển khu công nghiệp theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các NHTM đã cam kết đưa ra các gói tín dụng xanh. Từ đó sẽ khơi dậy nhu cầu vay vốn trong các khu công nghiệp - chế xuất, cộng với những chính sách ưu đãi thu hút FDI gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2024 cơ hội mở rộng tín dụng vào khu công nghiệp - chế xuất vẫn còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong khu công nghiệp - chế xuất đều có tính bài bản nên tiếp cận tài chính cũng rất căn cơ.
Xem thêm tại cafef.vn