Lãi đột biến hàng trăm tỷ đồng, cổ phiếu BCA tăng gấp đôi sau 8 phiên
Lợi nhuận tăng đột biến hàng trăm tỷ đồng
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, Công ty Cổ phần B.C.H (UPCoM: BCA) - một doanh nghiệp trong ngành thép ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt hơn 3.853 tỷ đồng, tăng 55% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 73,9 tỷ đồng.
Cả doanh thu và lợi nhuận của BCA đều thiết lập mức đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào bức tranh tài chính của BCA, lợi nhuận năm 2023 lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Theo đó, chi phí giá vốn của BCA trong năm 2023 neo cao, chiếm tới 99% doanh thuần của doanh nghiệp, đạt hơn 3.815 tỷ đồng (tăng 55%). Lợi nhuận gộp của BCA chỉ còn 20 tỷ đồng, dù vậy vẫn ghi nhận tăng gấp rưỡi cùng kỳ.
Trừ đi các loại chi phí, BCA lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 2,7 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ 74 tỷ đồng cùng kỳ do doanh nghiệp phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi lên đến 76 tỷ đồng.
Khoản lãi sau thuế gần 400 tỷ đồng của BCA đến từ việc thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần để sở hữu công ty con. Theo đó, trong quý IV/2023, doanh nghiệp đã ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua rẻ khi hợp nhất 395 tỷ đồng. Công ty con được BCA mua cổ phần là Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang.
Khoản lợi nhuận đột biến này đã giúp kết quả kinh doanh của BCA thoát khỏi tình trạng ảm đạm khi tính tới cuối quý III/2023, lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng mới chỉ đạt vỏn vẹn 611,5 triệu đồng. Nguyên nhân do BCA đã có 2 quý liên tiếp thua lỗ, là quý II (lỗ 1,4 tỷ đồng) và quý III (lỗ 2,8 tỷ đồng).
Cổ phiếu tăng gấp đôi sau 8 phiên
Cổ phiếu BCA gây chú ý trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây khi liên tục ghi nhận chuỗi tăng giá với nhiều phiên kịch trần. Theo đó, cổ phiếu BCA đóng cửa phiên 30/1 ở mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu, sau đó bắt đầu chuỗi tăng 8 ngày liên tiếp từ 31/1 đến 16/2.
Với 6 phiên tăng trên 14%, thị giá của BCA đã tăng hơn gấp đôi lên mức 15.500 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên 16/2. Thanh khoản của BCA cũng không thuộc nhóm “lèo tèo” khi khối lượng khớp lệnh đạt vài trăm cổ phiếu mỗi phiên.
Đặc biệt trong phiên 5/2, BCA khớp lệnh 790.010 đơn vị, mức cao kỷ lục của cổ phiếu này.
Giải trình về diễn biến cổ phiếu BCA trong thời gian qua, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng biến động giá cổ phiếu BCA hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư, khẳng định không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường.
Tuy nhiên, sự biến động giá bất thường của BCA được cho là diễn ra sau khi các thành viên trong ban lãnh đạo doanh nghiệp này liên tục có động thái mua vào đối với cổ phiếu BCA.
Cụ thể, ông Phạm Bá Phú, Chủ tịch HĐQT BCA đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này trong thời gian từ ngày 4/12/2023 đến ngày 3/1/2024, tuy nhiên chỉ giao dịch thành công 750.000 đơn vị.
Tỷ lệ sở hữu của ông Phạm Bá Chu tăng lên 9,08%, tương đương sở hữu hơn 1,7 triệu cổ phiếu.
Sau chủ tịch, ông Đặng Ngọc Hưng, Tổng giám đốc kiêm uỷ viên HĐQT BCA cũng đăng ký mua vào 1,2 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này trong thời gian từ ngày 13/12/2023 đến ngày 5/1/2024. Tuy nhiên, giao dịch không hoàn tất, ông Hưng không mua vào bất kỳ cổ phiếu nào do thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân.
Hiện tổng giám đốc BCA đang sở hữu 1,13 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ nắm giữ 5,93%.
Bên cạnh 2 cổ đông lớn trên, doanh nghiệp hiện còn 2 cổ đông lớn khác đều là nhà đầu tư cá nhân bao gồm ông Nguyễn Duy Lân nắm giữ 8,87% vốn và bà Lê Thu Phương (kế toán trưởng của BCA) nắm giữ 7,07% vốn.
Được biết, cổ phiếu BCA chào sàn UPCoM vào ngày 8/9/2021, với giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu. Ở giai đoạn mới chào sàn, BCA từng leo lên mức giá cao hơn mức đỉnh hiện tại, đạt 18.900 đồng/cổ phiếu trong phiên 20/9/2021.
Theo đó, sau 6 phiên giao dịch đầu tiên không có thanh khoản, BCA ghi nhận 3 phiên tăng mạnh liên tiếp từ 16/9/2021 đến 21/9/2021, với biên độ có khi tăng tới 40%. Thanh khoản cũng liên tục ghi nhận khớp lệnh vài trăm cổ phiếu mỗi phiên.
Thị giá BCA sau đó giảm dần, biên độ dao động tăng 2 chữ số chỉ còn xuất hiện thưa thớt trước khi ghi nhận chuỗi tăng giá trong nhiều ngày qua.
BCA được thành lập vào năm 2004 tại tỉnh Hải Dương. Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 8 tỷ đồng. Sau 3 lần tăng quy mô hoạt động, mức vốn điều lệ của BCA đã tăng gấp 23,8 lần lên mức 190 tỷ đồng. BCA hiện đang hoạt động trong sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là phôi thép, thép xây dựng, phế liệu kim loại, than coke, các sản phẩm phụ trợ của ngành thép. |
Xem thêm tại vietnamfinance.vn