Lãi nghìn tỷ nhưng nợ vay tăng cao: 'Ông lớn' nông nghiệp lên tiếng

Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã ghi nhận doanh thu quý IV/2024 đạt 4.267 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 427 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của quý IV, mảng tôm xuất khẩu chiếm tới 114%; cá tra xuất khẩu chiếm 41%; hạt và hoa quả sấy chiếm 21%, trong khi mảng nông dược & khử trùng giữ được mức tương đương với quý IV/2023, vốn là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Các mảng giống cây trồng, gạo đóng túi và bánh kẹo suy giảm nhẹ từ 8 – 10% do yếu tố lệch mùa vụ kinh doanh.

Luỹ kế cả năm 2024, doanh thu của Tập đoàn PAN ghi nhận đạt 16.184 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 109% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 40,5% và hoàn thành 130% so với kế hoạch lãi 882 tỷ đồng trong năm 2024. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý IV/2024, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn PAN ở mức tương đối cao (1,7 lần). Trong đó, dư nợ vay tài chính tăng 30% so với đầu năm, lên 11.700 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư thông tin về bức tranh kinh doanh 2024 và triển vọng năm 2025, lãnh đạo Tập đoàn PAN diễn giải, nếu trừ đi các khoản tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi, thực tế nợ ròng không cao. Theo đại diện PAN, đây là chiến lược sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ/chứng chỉ tiền gửi, tức là các khoản đầu tư lành mạnh và có kiểm soát.

"Mặt bằng lãi suất nửa đầu năm 2025 nhìn chung vẫn ở mức hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Tập đoàn không quá lo ngại biến động lãi suất đối với hoạt động đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Tập đoàn PAN sẽ không chịu rủi ro, đồng thời cam kết lãi suất đầu vào sẽ thấp hơn lợi suất đầu ra, qua đó gia tăng lợi ích cho cổ đông và công ty", lãnh đạo công ty khẳng định.

Trả lời câu hỏi về việc "dùng gần 9.900 tỷ đồng để đầu tư vào danh mục chứng khoán kinh doanh", lãnh đạo Tập đoàn PAN cũng nhấn mạnh đây là phương án tối ưu hóa lượng tiền nhàn rỗi và đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận.

Lý giải cho kết quả kinh doanh tích cực, Tập đoàn PAN cho biết thêm, điểm chung là lợi nhuận tăng trưởng cao hơn so với doanh thu khi các yếu tố kinh doanh đầu vào (vận tải, nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi..) giảm nhiệt so với 2023, đồng thời trong năm các công ty thành viên tận dụng được nhiều thời điểm để tích trữ, thu mua được nguyên vật liệu giá thấp, từ đó cải thiện rất tốt biên lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều thành viên cũng phát triển được các thị trường mới, sản phẩm mới để tạo động lực cho tăng trưởng quy mô trong dài hạn.

Về kế hoạch trong năm 2025, Tập đoàn PAN cho hay mảng nông nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều động lực tăng trưởng mạnh, nhất là khi các nhiễu động thị trường cuối năm 2024 qua đi (mảng nông dược); các bộ giống lúa mới được kinh doanh chính thức đi kèm với sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh.

Mảng thủy sản tiếp tục đà phục hồi về giá bán tôm cũng như sự tiếp tục gia tăng tỷ trọng các sản phẩm tôm cao cấp để nâng cao biên lợi nhuận. Rủi ro từ các chính sách thuế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trở nên rõ ràng hơn sau quý I/2025, tuy nhiên Tập đoàn PAN cũng đã có chuẩn bị để đáp ứng qua việc dịch chuyển thị trường xuất khẩu hay chuẩn bị kỹ càng cho các kịch bản áp thuế.

Và đối với mảng thực phẩm đóng gói được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao từ việc đẩy mạnh xuất khẩu đang thuận lợi ở Bibica, Lafooco, SHIN Cà phê; khai thác các kênh phân phối mới trong thị trường nội địa và tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn sau năm 2024 nhiều thách thức

Xem thêm tại vietnamfinance.vn