Lãi suất chạm đáy, DN bảo hiểm niêm yết làm ăn ra sao trong quý I?
Lãi suất giảm nhưng lợi nhuận tài chính vẫn tăng trưởng
Theo số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, tính đến cuối năm 2022, khoảng 44% danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm (bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ) là tiền gửi ngân hàng, 36% là trái phiếu Chính phủ, 4% là trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Tổng đầu tư vào những tài sản có thu nhập cố định trên chiếm tới 84% danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm.
Sang đến quý I/2024, theo tổng hợp từ báo cáo tài chính của các công ty bảo hiểm niêm yết, tiền gửi chiếm tới 59% danh mục đầu tư, trái phiếu chiếm 34% còn cổ phiếu và các khoản đầu tư khác chỉ đạt 7%.
Vì vậy, lãi suất là yếu tố ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận từ hoạt động tài chính - một trong hai mảng kinh doanh đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận.
Trong năm 2023, lợi nhuận từ hoạt động tài chính gấp 5,5 lần so với lợi nhuận gộp hoạt động bảo hiểm, ghi nhận mức chênh lệch cao nhất trong nhiều năm. Cụ thể, hoạt động tài chính đem về cho các doanh nghiệp bảo hiểm 14.230 tỷ đồng, trong khi hoạt động bảo hiểm chỉ thu về 2.570 tỷ đồng.
Sang quý đầu năm 2024, chênh lệch này giảm xuống chỉ còn 3,7 lần. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính là 3.781 tỷ đồng, còn lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm là 1.024 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa lãi từ tài chính và bảo hiểm trong quý đầu năm vẫn cao hơn nhiều so với trung bình lịch sử.
Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm mạnh trong cả năm 2023 và kéo dài đến hết quý đầu tiên của 2024 xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, lợi nhuận kinh doanh tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, đạt 3.781 tỷ đồng.
So với đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm 2,52 điểm %, xuống 4,68 %/năm; lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại lớn giảm tới 3,8 điểm %, xuống 4,58%/năm.
Trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, một số công ty đã cung cấp số liệu về lãi tiền gửi và số dư tiền gửi. Từ các con số trên, có thể ước tính lãi suất tiền gửi bình quân (lãi tiền gửi*4/tiền gửi bình quân trong kỳ). Những công ty có công bố dữ liệu trên là Bảo Việt, PVI, MIC, ABIC và PTI.
Theo đó, lãi suất tiền gửi bình quân trong quý I/2024 của những công ty trên là 6,8%/năm, trong khi cùng kỳ năm trước, lãi suất là 6,91%/năm. Như vậy, sau một năm, lãi suất mà những công ty bảo hiểm này nhận về mới chỉ giảm 0,11 điểm %. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng trong cùng thời kỳ đã giảm khoảng 2 - 3 điểm %.
Có thể nhận thấy rằng việc lãi suất chạm đáy có thể chưa tác động ngay tới mảng kinh doanh tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Lãi suất trung bình của các khoản đầu tư không giảm quá sâu như lãi suất tiết kiệm trên thị trường, giúp lợi nhuận từ hoạt động tài chính vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Theo đó, những khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng thời gian từ 3 tháng đến 12 tháng. Do đó, các doanh nghiệp có thể vẫn đang nhận lãi suất cao do gửi tiền từ đầu năm 2023.
Trong khi đó, với các khoản đầu tiền gửi, trái phiếu dài hạn, lãi suất được cố định trong thời hạn lâu hơn, giúp cho nguồn thu không bị biến động. Đồng thời, với quy mô tiền gửi lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ nhận được lãi suất hoặc điều khoản ưu đãi.
Ngoài ra, khi lãi suất xuống thấp, giá của trái phiếu được mua trong thời điểm lãi suất cao hơn (cuối năm 2022, đầu năm 2023) sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp bảo hiểm có thể lựa chọn bán đi một phần danh mục trái phiếu của mình để chốt lời.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng không đồng đều
Trong khi hoạt động kinh doanh tài chính ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ổn định thì mảng bảo hiểm có kết quả không đồng đều. Một số doanh nghiệp như BIC, PVI hay PGI đạt mức tăng trưởng tốt, trong khi lợi nhuận gộp của AIC, VNR hay PTI giảm sâu so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Bảo Việt lỗ 489 tỷ đồng do hoạt động này, so với khoản lỗ 111 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; BHI lỗ 35 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 14 tỷ đồng.
Tổng cộng, các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết thu về 1.024 tỷ đồng lãi gộp từ kinh doanh bảo hiểm, giảm 14% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ Bảo Việt, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm đã tăng 16%, mang về 1.512 tỷ đồng. Con số lợi nhuận từ mảng này thậm chí còn cao hơn so với lợi nhuận từ tài chính (919 tỷ đồng).
Ngoại trừ Bảo Việt, các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết phần lớn đều hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và không chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng niềm tin.
Về trường hợp của Bảo Việt, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của Bảo Việt ở mức 10.406 tỷ đồng, gần tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 7.760 tỷ đồng là phí bảo hiểm nhân thọ, phần còn lại là phí bảo hiểm phi nhân thọ.
Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đã sụt giảm so với cùng kỳ trong khi bảo hiểm phi nhân thọ nhích nhẹ. Doanh thu thuần từ HĐKD bảo hiểm ở mức 9.619 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức hơn 10.107 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi bồi thường bảo hiểm gốc và dự phòng nghiệp vụ.
Trong khi đó, PVI, doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu trong lĩnh vực phi nhân thọ, ghi nhận thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đều có mức tăng trưởng lần lượt là 30,5% và 231,7%, mang về doanh thu 4.217 và 1.662 tỷ đồng. Nhờ vậy, lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ (chủ yếu là bảo hiểm) ở mức 387,9 tỷ đồng, tăng 46,3%.
Do hoạt động tài chính vẫn tăng trưởng tốt và hoạt động bảo hiểm không đi xuống quá sâu so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết vẫn đạt mức tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ, đem về 2.048 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn