Chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, “Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024 và nếu giảm được lãi suất thì phải giảm”.
Theo ông Tú, hiện lãi suất tiết kiệm đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại cũng khẳng định, lãi suất huy động không thể thấp hơn được nữa, bởi trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Tuy vậy, dưới chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn ngành đạt mức tăng trưởng khoảng 13,5% so với hồi đầu năm, đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng. Kết quả trên dù không đạt mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% cơ quan quản lý đặt ra, nhưng cũng thấp hơn không nhiều. Trên nền số dư tín dụng khoảng 12 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2022, trong năm qua, ngành ngân hàng đã đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng vốn mới.
Ngay đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao room tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và sẽ linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với mức tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay, ước tính, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng vào nền kinh tế.
Tín dụng vẫn là nguồn cung ứng vốn chính cho nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm trong năm 2023 là cấp room tín dụng vài ba lần, năm nay, Ngân hàng Nhà nước cấp room một lần, ngay từ đầu năm và yêu cầu ngân hàng thương mại phấn đấu đạt chỉ tiêu này, đảm bảo cung ứng vốn cho vay phục vụ doanh nghiệp và người dân.
“Nếu nền kinh tế có nhu cầu và vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô thì tín dụng sẽ tăng 16%, chứ không dừng lại là 15%”, ông Tú nói và cho biết thêm, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu tiên đối với lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ (hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Phạm Chí Quang cho biết, sang năm 2024, dự báo các khó khăn của kinh tế thế giới từ năm 2023 vẫn tiếp tục. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn vẫn neo lãi suất ở mức cao, suy thoái nhẹ sẽ diễn ra, xuất khẩu toàn cầu sẽ giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam - vốn có độ mở lớn. Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, để từ đó, các ngân hàng chủ động cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời cho doanh nghiệp, người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những ngày đầu năm mới.
Lãi vay sẽ giảm thêm
Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2024. Nền kinh tế trong nước được nhận định vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, dù mặt bằng lãi suất huy động đã xuống đáy, nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào kênh tiết kiệm ngân hàng.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, dù lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua, nhưng chắc chắn khi chi phí đầu vào giảm mạnh, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024.
Phân tích kỹ hơn về câu chuyện lãi suất, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại hiện chỉ ở mức 0,2 - 0,5%/năm, là điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp. Lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2%/năm so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch Covid-19.
Sở dĩ có tình trạng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, theo ông Quang, là do 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn, trong khi trên 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn. Các ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất huy động trung và dài hạn 12 tháng hoặc 20 tháng cộng với biên độ, dẫn đến lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động.
Tuy nhiên, giới phân tích tài chính kỳ vọng, với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước và cam kết giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển hoạt động kinh doanh.
Thông tin từ ngân hàng thương mại cho thấy động thái tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Chẳng hạn, từ ngày 1/1/2024, Agribank điều chỉnh biểu lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Đồng thời, Ngân hàng điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trước đó, trong năm 2023, trên cơ sở tiết giảm chi phí huy động, nhà băng này đã có 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đưa lãi suất vay cho vay xuống mức thấp hơn từ 1,3 - 4%/năm so với đầu năm.
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm lãi suất cho vay mạnh hơn nhóm ngân hàng có vốn cổ phần chi phối của Nhà nước, do các khoản vay chậm trả tăng nhanh hơn cũng như các nhà băng này tự giảm lãi suất để hút khách hàng.
Cụ thể, BVBank có gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân vay linh hoạt có lãi suất từ 6,5%/năm. KienlongBank dành riêng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,3%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vay bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn, hướng trọng tâm đến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên. Với doanh nghiệp có nhu cầu vay trung/dài hạn cho nhiều mục đích khác nhau, dựa trên nhu cầu và kế hoạch sử dụng vốn, có thể được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,9%/năm...
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát thông điệp ngừng tăng lãi suất. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nếu Fed bắt đầu hạ lãi suất từ quý I/2024 sẽ tạo tiền đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có những cơ chế điều chỉnh lãi suất linh hoạt hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kiểm soát lạm phát.