Lãi suất cho vay không còn là rào cản, vì sao tín dụng ‘giật lùi’?

Đây là khẳng định của các ngân hàng tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 tổ chức ngày 20/2.

Tín dụng tại nhiều nhà băng giảm 2-3%

Tính tới cuối tháng 1/2024, tín dụng toàn nền kinh tế sụt giảm 0,6%. Tại nhiều ngân hàng TMCP, tín dụng tháng đầu năm giảm tới 2-3% dù nhà băng đã tung ra nhiều gói vay lãi suất ưu đãi thấp tối đa tới 2,5%/năm so với mức lãi suất thông thường.

Quán quân về lợi nhuận trong năm qua là Vietcombank cũng “hụt hơi” tín dụng trong tháng đầu năm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay trong tháng 1/2024, tín dụng của ngân hàng này sụt giảm 2,3% so với cuối năm 2023, tương ứng giảm 30.000 tỷ. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng và tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng.

-3671-1708416835.jpg

Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh vốn ra thị trường.

Tương tự, tại BIDV, tín dụng tháng 1/2024 giảm 1,25% so với cuối năm ngoái. Ông Trần Long, Tổng Giám đốc BIDV cho hay, đây là mức giảm như thường lệ của đầu các năm trước.

Tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, tín dụng cũng sụt giảm. Lãnh đạo MB cho biết dù room tín dụng dồi dào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho các ngân hàng thúc đẩy tín dụng, song tăng trưởng tín dụng vẫn đi xuống. Tại MB, tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,7%.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank thông tin, dư nợ tín dụng trong tháng 1/2024 của HDBank chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 0,2%, nhưng qua đầu tháng 2/2024, thị trường khả quan hơn nên dư nợ tín dụng ước tính cuối tháng 2/2024 tăng khoảng 2%.

Thông thường, việc tín dụng sụt giảm trong tháng đầu năm là do tính chất quy luật, giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng. Tuy nhiên, năm nay, theo lý giải của các ngân hàng còn có thêm tác động từ khó khăn của nền kinh tế và khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, nhất là cho vay tiêu dùng khó khăn nên tín dụng chững lại chứ không phải do cơ chế, chính sách hay là do hoạt động của ngân hàng.

Tín dụng tiêu dùng, bất động sản tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023 đến nay. Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân sụt giảm, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án bất động sản mới được cấp phép trong năm 2023 ít, các vướng mắc pháp lý vẫn còn nhiều… Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, sức cầu giảm, đơn hàng sụt giảm cũng dẫn tới cầu vốn ngân hàng thấp.

Tăng trưởng tín dụng khó về đích?

Lãnh đạo MB cho hay, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng đi xuống là cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn kém.

“Vay để làm gì là câu hỏi lớn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay”, lãnh đạo MB lý giải.

Đồng tình, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay: “Nhìn vào nền kinh tế phải thừa nhận nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển nhưng tập trung ở các doanh nghiệp nước ngoài, nhóm các dự án lớn, đầu tư công. Khu vực kinh tế tư nhân chỉ có 1 - 2% có sức chịu đựng và tiếp tục phát triển, còn lại cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, các ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần đa phần cho vay phân khúc chính là khu vực tư nhân”.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng thấp còn do một số yếu tố đến từ đặc thù của các ngân hàng. Chẳng hạn, tại Vietcombank, dư nợ tín dụng ngắn hạn bán buôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ (70%), dư nợ cho vay phục vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại có tính thời vụ, thường tập trung vào trước tháng Tết. Cầu của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp FDI cũng giảm mạnh trong dịp đầu năm (doanh nghiệp FDI có xu hướng trả nợ vay vào cuối năm để phục vụ nhu cầu quyết toán).

“Dư nợ tín dụng có xu hướng giảm vào tháng 1, tháng 2 hàng năm và sẽ tăng trở lại vào các tháng tới, không có gì bất thường ở đây. Khoảng cuối quý I và đầu quý II/2024, tín dụng của khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sẽ tăng trở lại”, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng nhận định.

Tương tự, với đặc thù của ngân hàng, Agribank có dư nợ cho vay cá nhân chiếm 70% nên thường vào đầu năm thì dư nợ tín dụng sẽ giảm mạnh, nhưng cuối năm vào vụ sẽ tăng. “Nợ cho vay trong tháng 1 tăng khoảng 1%. Khả năng tới quý III và quý IV, tăng trưởng tín dụng mới có sự phục hồi rõ rệt”, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank dự báo.

Một vấn đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp là lãi suất cho vay có còn là rào cản trong tiếp cận tín dụng? Theo lãnh đạo Vietcombank, hiện lãi suất không còn là vấn đề trở ngại với tăng trưởng tín dụng, do mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, thậm chí thấp hơn thời điểm Covid-19.

Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cũng khẳng định, hiện mặt bằng lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay. Ngay từ đầu năm, ngân hàng đã ban hành gói tín dụng 60.000 đồng cho vay cá nhân, đồng thời đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp tối đa 2,5%/năm so với mức lãi suất thông thường tại Agribank.

Dù tín dụng tháng đầu năm giảm, song các ngân hàng dự báo mục tiêu về tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay khả năng sẽ đạt được, bởi các chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai, đặc biệt là thị trường bất động sản đang có dấu hiệu tích cực, nhu cầu vốn sẽ tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, các ngân hàng cũng đang từng bước tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh vốn ra thị trường. "Lãi suất cho vay tại HDBank chuẩn bị giảm thêm 0,3-0,5%. Đồng thời, HDBank đẩy mạnh vốn ra thị trường, trong đó đối với lĩnh vực nhà ở xã hội trong năm nay kỳ vọng giải ngân được khoảng 5.000-7.000 tỷ đồng", Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh cho hay.

Để kích cầu tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị Chính phủ cần có chiến lược kích cầu; các địa phương có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp.

Đồng thời, một số ngân hàng thương mại cũng đề nghị NHNN tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng đến 12 tháng nữa để giảm áp lực cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn