Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội thấp hơn 3% lãi suất bình quân có hấp dẫn được khách hàng vay vốn?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ dừng lại ở hỗ trợ lãi suất (và chưa đủ hấp dẫn) mà thiếu các chính sách quyết liệt đi kèm thì chính sách rất khó đi vào cuộc sống, doanh nghiệp không mặn mà vay, người dân vẫn mãi đợi mua nhà.
Vì sao gói tín dụng nhà ở xã hội “đứng yên”?
Tính tới thời điểm này, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có 4 ngân hàng quốc doanh tham gia: BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng. Hai ngân hàng TMCP tư nhân (TPBank, VPBank) mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn của chương trình đạt 130.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến nay, gói tín dụng này mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng, Agribank là ngân hàng giải ngân nhiều nhất.
Tại buổi họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 23/7, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết đến nay có 34/63 tỉnh, thành công bố 78 dự án nhà ở xã hội thuộc đối tượng được vay gói tín dụng này.
Đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng. |
Số vốn các ngân hàng thương mại giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó cho vay chủ đầu tư 1.295 tỷ đồng và người vay mua nhà 4,9 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến gói tín dụng này giải ngân chậm, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, do số dự án nhà ở xã hội còn hạn chế, quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhiều địa phương vẫn chưa công bố danh mục nhà ở xã hội (mới có 34/63 địa phương công bố). Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương công bố, nhiều dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý (vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa khởi công…) nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay
Bộ Xây dựng cũng đánh giá, lãi suất gói vay ưu đãi này vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm.
Lãi vay mua nhà ở xã hội sẽ thấp hơn lãi vay thương mại 3%
Trong bối cảnh gói tín dụng nhà ở xã hội gần như "đứng yên" trong năm đầu triển khai, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ giảm lãi suất cho vay 3% so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Như vậy, mức ưu đãi được đề xuất sẽ tăng thêm 1% so với mức áp dụng hiện nay là 2%. Thời gian xác định lãi suất cho vay 3 tháng/lần, rút ngắn một nửa so với hiện nay.
"Ngoài ra, thời gian vay ưu đãi cũng được đề xuất là 5 năm thay vì 3 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm tiếp theo, lãi suất cho vay tiếp tục được giảm, tùy theo điều kiện nền kinh tế lúc đó nhưng tối thiểu mức giảm 1-2%/năm. Không phải sau 5 năm, lãi suất cho vay sẽ được thả nổi khiến người vay mua nhà ở xã hội lo lắng", ông Tú nhấn mạnh.
Về chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng và triển khai dự án nhà ở xã hội, theo ông Tú, vẫn áp dụng như hiện nay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cũng như các tập đoàn kinh tế lớn thúc đẩy hỗ trợ nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp.
Các ngân hàng thương mại cho biết rất muốn cho vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Chẳng hạn với BIDV, chia sẻ với báo chí trước đó, đại diện ngân hàng này cho hay, ngay khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến các chi nhánh nhưng còn nhiều thủ tục, vấn đề cần giải quyết nên đến nay mới tiến cận 8 dự án, phê duyệt 4 dự án với tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng, và mới giải ngân được hơn 96 tỷ đồng.
Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối tượng mua nhà ở xã hội thường là người lao động có thu nhập thấp, do đó lãi suất cho vay càng giảm thì người dân sẽ tiếp cận gói vay nhiều hơn.
Theo tính toán của chuyên gia này, các ngân hàng thương mại hiện nay thường duy trì biên độ lợi nhuận khoảng 3%. Với mức lãi suất huy động từ 5- 6% hiện nay, thông thường các ngân hàng thương mại cho vay ở mức lãi suất từ 8-9%/năm, giờ cho vay nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn, từ 5-6%. “Mức lãi suất được điều chỉnh này sẽ hấp dẫn hơn với người dân”, ông Hiếu nói.
TS Cấn Văn Lực cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là nỗ lực của các ngân hàng thương mại, vì đây là tiền của các ngân hàng chứ không phải tiền ngân sách, các ngân hàng đã tự nguyện giảm lãi suất cho vay 3% so với bình quân lãi vay thị trường cũng là sự nỗ lực và cố gắng của ngân hàng.
Tuy nhiên, muốn bền vững hơn, có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp hơn nữa với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ thì Chính phủ cần lập một quỹ phát triển nhà ở xã hội. Lãi vay từ quỹ phát triển nhà ở xã hội thông thường bằng một nửa lãi suất cho vay thương mại bình quân trên thị trường là phù hợp. Quỹ này cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò vốn mồi như Hàn Quốc, Singapore đã làm.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn