Lãi suất cho vay ra sao khi lãi suất huy động tăng?
PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng thương mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích mặc dù lãi suất huy động được điều chỉnh tăng ở khoảng 16 ngân hàng nhưng mức tăng không mang tính hệ thống, đặc biệt là quy mô tăng không lớn. Vì vậy, nền chi phí huy động vốn của ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều.
Dư địa cho vay vốn còn rất lớn
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tương đương khoảng 13,78 triệu tỷ đồng được cho vay ra nền kinh tế. Các chuyên gia nhận định, từ quý II trở đi, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh do nền kinh tế đang hồi phục.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí sang đầu quý III.
"Những năm trước, thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi là Nhật Bản, nhưng 3 tháng đầu năm nay, nhờ có đơn hàng mới từ các nước châu Âu, doanh số tăng khoảng 20%", Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ IDEA Đỗ Hoàng Trung chia sẻ.
Tại báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng các ngân hàng cho biết lãi suất đầu ra không thay đổi, thậm chí là giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên. |
Tuy nhiên, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, phân tích hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc; từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng.
"Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm", ông Quang nói.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng cao, các ngân hàng khẳng định dư địa cho vay vốn còn rất lớn.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh huy động vốn.
Bà Trần Nhị Hà, Phó giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, GPBank, cho biết ngân hàng đang tăng huy động tại các kỳ hạn trung, dài hạn từ 12 tháng trở lên, với mức lãi suất điều chỉnh tăng thêm từ 0,2-0,4%/năm, nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay dài hạn.
Ghi nhận của VnBusiness cho thấy, lần đầu tiên lãi suất tiết kiệm tăng ở nhiều ngân hàng sau một năm liên tục giảm. Theo đó, biểu lãi suất mới nhất được các ngân hàng thương mại niêm yết, mức tăng lãi suất huy động tăng từ 0,1%-0,9/năm, tuỳ theo từng kỳ hạn.
Lãi suất cho vay cũng “quay đầu” tăng?
Mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng các ngân hàng cho biết lãi suất đầu ra không thay đổi, thậm chí là giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ động chi phí tài chính trong ngắn hạn, một số ngân hàng áp dụng chương trình cố định lãi suất trong suốt thời gian vay của doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tăng vốn cho các khoản vay ưu đãi lãi suất.
Chẳng hạn như LPBank, nhà băng này nâng gói tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lên đến 5.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,15%/năm đối với vay bằng VND và 4%/năm đối với vay bằng USD.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới là 6,4%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm ngoái.
Các chuyên gia nhìn nhận, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể, bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng thương mại sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt chỉ tiêu lợi nhuận chung vào cuối năm. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.
PGS.TS Đỗ Hoài Linh cho rằng lãi suất cho vay khó tăng, bởi 3 yếu tố.
Thứ nhất là dù lãi suất huy động tăng nhưng nền chi phí huy động vốn của ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều.
Thứ hai là Chính phủ và NHNN đang thực hiện ráo riết, đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng chảy về vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là lực kìm hãm đà tăng lãi suất.
Yếu tố cuối cùng là ngay trong tháng 3 và 4, khi tín dụng tăng trở lại, NHNN bơm ròng thông qua thị trường mở để cung đủ thanh khoản cho trường hợp một số ngân hàng đơn lẻ bị thiếu thanh khoản. Động thái này giúp mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng không tăng quá cao, và lãi suất huy động trên thị trường cũng không tăng mạnh.
"Sẽ khó có cú sốc tăng mạnh lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm. Nếu có tăng cũng chỉ là sự điều chỉnh mang tính cục bộ và mức tăng sẽ không cao", bà Linh nhận định.
Theo GS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, nền kinh tế đang bước vào pha phục hồi, các ngân hàng sẽ duy trì lãi suất cho vay trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố công khai biểu lãi suất cho vay sẽ giúp khơi thông dòng vốn ra thị trường.
Điển hình, VietinBank công bố lãi suất cho vay bình quân là 6,3%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân là 2,45%/năm; Agribank công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,47%/năm, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay là 1,47%/năm.
Tại MB, mức chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động bình quân là 3,5%/năm. Trong đó, lãi suất tham chiếu cho vay khách hàng cá nhân đối với khoản vay thời hạn dưới 12 tháng là 6,5-6,6%/năm, lãi suất khoản vay có thời hạn từ 1 năm đến dưới 5 năm từ 7,8-7,9%/năm, và khoản vay có thời hạn trên 5 năm có lãi suất tham chiếu là 7,9%/năm.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn