Lãi suất đang có xu hướng đi lên, cảnh báo nguy cơ lạm phát đang lớn dần

Lãi suất đang có xu hướng đi lên

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,19% so với tháng 12/2023, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, mức tăng CPI 4 tháng đầu năm đã gần chạm ngưỡng mục tiêu 4 - 4,5% của cả năm 2024.

“Mặc dù về mặt tổng thể lạm phátđã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ”, VEPR nêu.

Lãi suất đang có xu hướng đi lên, cảnh báo nguy cơ lạm phát đang lớn dần
Như vậy, mức tăng CPI 4 tháng đầu năm đã gần chạm ngưỡng mục tiêu 4 - 4,5% của cả năm 2024.

Theo VEPR, mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm. Trước hết, giá một số nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu có xu hướng tăng do VNĐ giảm giá khoảng 5% từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, lãi suất đang có xu hướng đi lên có thể làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy giá cả hàng hóa tăng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, việc tăng lương cơ bản cũng như lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1/7/2024 vừa làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát kỳ vọng do tâm lý tăng giá bán theo tăng lương.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức tăng giá chung của nền kinh tế có xu hướng đi lên trong các tháng đầu năm 2024 nhưng có thể giảm trong các tháng tới.

Trong 3 tháng trở lại đây, lạm phát tính theo năm đều tăng từ 4 - 4,4%. Góp phần chính vào mức tăng cao của lạm phát các tháng đầu năm nay là tác động trễ đến từ nhóm lương thực, thực phẩm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm dịch vụ y tế và giáo dục.

Nhìn về tình hình lạm phát các tháng còn lại của năm 2024, các yếu tố sẽ phản ánh lên khả năng lạm phát gồm tỷ giá và diễn biến giá dầu.

VDSC cho rằng, trừ khi có cú sốc về địa chính trị dẫn đến việc giá dầu tăng tốc trong một thời gian ngắn, giá dầu Brent thế giới được kỳ vọng sẽ dao động trong vùng 85 - 90USD/thùng từ nay đến cuối năm 2024. Theo đó, giá dầu bình quân năm 2024 ước tăng 5 - 7% so với năm 2023, điều này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến xu hướng lạm phát.

Ngoài ra, lạm phát trung bình theo tháng từ đầu năm đến nay khoảng 0,3%/tháng cho thấy Việt Nam vẫn đang trong môi trường lạm phát vừa phải, đồng thời áp lực tăng giá các mặt hàng như thực phẩm, xăng dầu và mặt hàng Nhà nước điều tiết giá vẫn được kiểm soát tương đối tốt.

Do đó, VDSC kỳ vọng việc tiền đồng mất giá khoảng 5% từ đầu năm đến nay sẽ không tác động quá lớn đến diễn biến lạm phát nửa sau năm 2024.

VDSC điều chỉnh nhẹ mức dự báo lạm phát năm 2024 từ mức 3,5% lên 3,8% sau khi cân nhắc ảnh hưởng của giá dầu và tỷ giá. Mức tăng giá chung kỳ vọng vẫn thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% của Chính phủ.

Giá vàng, giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào sẽ tác động tiêu cực tới lạm phát

Về vấn đề lạm phát, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm áp lực lạm phát có thể sẽ gia tăng khi phải chịu tác động bởi nhiều yếu tố.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho biết, những tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam còn rất lớn. Đó là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột ở một số khu vực nhạy cảm, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc đối với lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Lãi suất đang có xu hướng đi lên, cảnh báo nguy cơ lạm phát đang lớn dần
Giá vàng, giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào sẽ tác động tiêu cực tới lạm phát.

Cùng đó, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD vẫn tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, do lạm phát Mỹ vẫn duy trì ở mức cao nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về hạ lãi suất. Điều này có thể làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu của doanh nghiệp, từ đó tác động đến lạm phát trong nước.

Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước vẫn chịu áp lực từ giá thế giới. Đây là một yếu tố đã tác động rất mạnh đến chỉ số lạm phát trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19 điểm %), chủ yếu do giá xăng trong nước tăng 4,78%; giá dầu diezen tăng 2,01% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Các chuyên gia quốc tế dự báo, giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng do những biến động địa chính trị ngày càng căng thẳng, khó lường, chắc chắn sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước và tác động mạnh đến chỉ số lạm phát trong những tháng cuối năm. Cộng hưởng với các yếu tố bên trong do việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế và thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ tạo áp lực không nhỏ cho lạm phát.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ sẽ đẩy nhu cầu tiêu dùng một số loại nguyên, vật liệu tăng lên; dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới. Ngoài ra, thiên tai, hạn hán và dịch bệnh có thể xuất hiện bất ngờ, gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương. Điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục biến động thất thường cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, đồng tiền mất giá sẽ gây lạm phát kỳ vọng, sẽ kéo theo giá hàng hóa trong nước tăng theo.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn