Lãi suất cho vay vẫn giảm
Mặc dù lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại trong tuần gần đây, tuy nhiên, xu hướng giảm đã duy trì trong tháng 3 trước đó. Theo báo cáo của MBS Research, kể từ đầu tháng 3, diễn biến lãi suất liên ngân hàng cho thấy chiều hướng giảm từ mức lãi suất 1,4% xuống còn 0,8% khi nhu cầu sử dụng tiền đã không còn căng thẳng sau dịp Tết Nguyên đán.
Tính từ 11/3 cho đến ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại sử dụng kênh tín phiếu để hút ròng khoảng 169 nghìn tỷ đồng trên thị trường ngân hàng, kỳ hạn đều là 28 ngày và lãi suất từ 1,3% - 2,5%. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh, thanh khoản thị trường khá dư thừa khi cầu tín dụng yếu.
Lãi suất liên ngân hàng đã phản ứng với động thái của Ngân hàng Nhà nước và bật tăng lên mức đỉnh của năm là 1,4% vào ngày 12/3. Tuy nhiên, lãi suất đã hạ nhiệt nhanh chóng và duy trì xu hướng giảm điểm xuống mức 0,2% trong giai đoạn cuối tháng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,6% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,6% cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất tại các kỳ hạn dưới 1 tháng khác cũng giảm nhẹ và đang trong khoảng 1,2% - 2%. Lãi suất tiết kiệm của ngân hàng tiếp đà giảm kể từ đầu tháng 3 tại 25 ngân hàng.
Đáng chú ý, vào ngày 19/3, ngân hàng BIDV đã điều chỉnh lãi suất tại các kỳ hạn, đặc biệt kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm %, từ 4,8%/năm còn 4,7%/năm. Hiện tại, nhóm ngân hàng quốc doanh đều có mức lãi suất đang là 4,7% cho kỳ hạn 12 tháng.
Ở chiều ngược lại, đã có 5 ngân hàng trong tháng ghi nhận việc tăng lãi suất tiền gửi, tuy nhiên việc tăng lãi suất chỉ xảy ra tại một vài kỳ hạn với mức tăng cũng tương đối nhỏ, khi chỉ tăng nhỏ hơn 0,2%. Trong giai đoạn đầu tháng 4, tiếp tục có một số ngân hàng nhỏ điều chỉnh lãi suất huy động.
Lãi suất huy động không còn dư địa giảm?
Theo các chuyên gia của MBS Research, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện.
“Chúng tôi dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3% - 0,5% và sẽ tiến dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm khi một số ngân hàng đã cho thấy có sự điều chỉnh huy động trái chiều trong tháng 3” - MBS Research cho hay.
Qua con số tăng trưởng tín dụng cho thấy, nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang dần phục hồi, đây sẽ là một yếu tố tác động đến các kế hoạch kinh doanh vốn và ngoại hối tại các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế theo số liệu 3 tháng đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp diễn và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14-15%.
Cụ thể như, xuất khẩu đều cho thấy dấu hiệu khả quan khi lũy kế 3 tháng năm 2024, xuất khẩu đạt 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ và thặng dư thương mại đạt 8 tỷ USD. Thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu ấm dần trở lại do nhu cầu gia tăng và nguồn cung bị hạn chế trong 2 năm gần đây khi gần như không có dự án mới được phê duyệt sẽ thúc đẩy tín dụng tại các sản phẩm bất động sản thứ cấp.
Bên cạnh đó, MBS Research còn cho rằng, việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại của Ngân hàng Nhà nước tác động tích cực đến mở rộng kinh doanh và gia tăng trữ lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp, sẽ được đẩy mạnh giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong 6 tháng tới.
Lãi suất huy động đã nhích tăng ở một số ngân hàng thương mại. Ảnh minh họa. |
Lãi suất huy động còn dư địa để giảm thêm do mặt bằng chung đang ở mức thấp lịch sử, trong khi áp lực lạm phát, tỷ giá đang có tín hiệu cần thận trọng. Thêm vào đó, tín dụng được kỳ vọng sẽ dần phục hồi vào nửa sau 2024, tương ứng với sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế. |
Theo theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất huy động đã xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh tương đối từ mức đỉnh cuối 2022 là yếu tố hỗ trợ mạnh cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán xuyên suốt nhiều quý trở lại đây.
Xét riêng 3 tháng đầu năm, với việc tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tiêu dùng nội địa còn yếu, áp lực tỷ giá chưa gây ảnh hưởng trực tiếp lên mặt bằng lãi suất thị trường 1, mặt bằng lãi suất đã tiếp tục được giảm thêm, giúp thanh khoản thị trường đã xuất hiện nhiều phiên giá trị giao dịch trên 1 tỷ USD.
Dù vậy, “chúng tôi không cho rằng lãi suất huy động còn dư địa để giảm thêm do mặt bằng chung đang ở mức thấp lịch sử, trong khi áp lực lạm phát, tỷ giá đang có tín hiệu cần thận trọng. Thêm vào đó, tín dụng được kỳ vọng sẽ dần phục hồi vào nửa sau 2024, tương ứng với sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản cơ sở, mặt bằng lãi suất sẽ đi ngang hay chỉ nhích tăng nhẹ ở vùng thấp, tiếp tục là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán” - các chuyên gia của KBSV cho hay./.