Lãi suất huy động biến động trái chiều

Trong những ngày làm việc đầu tiên của tháng 9/2024, lãi suất huy động ghi nhận sự biến động trái chiều. Ghi nhận thực tế cho thấy, số lượng các ngân hàng giảm lãi suất nhiều hơn số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Điều này cho thấy làn sóng tăng lãi suất huy động đang chậm lại.

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt khiến Ngân hàng Nhà nước hai lần hạ lãi suất tín phiếu và một lần hạ lãi suất trên thị trường mở trong tháng 8/2024. Nhờ vậy, lãi suất liên ngân hàng cũng bớt nóng. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn hơn 4% thay vì mức xấp xỉ 5% cách đây một tháng. Thêm vào đó, tín dụng tuy phục hồi song mức độ vẫn còn chậm khiến làn sóng tăng lãi suất phần nào chững lại.

Ngày 5/9, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tăng 0,2 - 0,4%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 9 - 13 tháng tăng 0,3% - 0,6%/năm. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 9 - 11 tháng tăng 0,6%/năm lên mức 5,5%/năm. Tăng mạnh nhất (tăng 0,8%/năm) là lãi suất huy động các kỳ hạn 18 - 36 tháng, lên mức 6%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp của Dong A Bank tính từ đầu tháng 8/2024.

Ở chiều ngược lại, đã có 2 ngân hàng giảm lãi suất huy động một số kỳ hạn, bao gồm OCB và ABBank. Cụ thể, lãi suất tiền gửi hai kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng được OCB điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 8/2024.

Lãi suất huy động biến động trái chiều, tỷ giá ngân hàng trượt sâu,
Lãi suất huy động ghi nhận sự biến động trái chiều. Ảnh: T.L

ABBank có mức giảm lãi suất mạnh hơn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 7 - 8 tháng giảm 0,1%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm 0,3%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,4%. Báo cáo tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm, ABBank ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm. Với việc giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, ABBank không còn là ngân hàng có mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất thị trường.

Hiện nay, mức lãi suất huy động đặc biệt được một số ngân hàng áp dụng trên thị trường dao động từ 7,5%/năm đến 9,5%/năm, song chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng.

Hiện, lãi suất huy động tiền gửi thông thường cao nhất (6 - 6,1%/năm) thuộc về các ngân hàng: Dong A Bank, HDBank, BVBank, NCB, BaoViet Bank, OceanBank, SHB, Saigonbank.

Trước đó, trong tháng 7/2024, có 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động và trong tháng 8/2024 có 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Một số ngân hàng tăng lãi suất 2 lần trong tháng.

Ngân hàng phải báo cáo danh sách tài khoản "đáng ngờ" hàng tháng

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, có hiệu lực từ ngày 1/7.

Đáng chú ý, tại Điều 22 của Thông tư này, NHNN quy định rõ các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của khách hàng theo hướng dẫn của NHNN về thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Theo đó, các ngân hàng phải cung cấp danh sách theo yêu cầu của NHNN thông tin về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật. Thời gian cung cấp chậm nhất vào ngày 10 hàng tháng.

Danh sách khách hàng cá nhân mở và sử dụng tài khoản thanh toán nghi ngờ liên quan giả mạo, gian lận, lừa đảo được ngân hàng cập nhật gồm mã khách hàng (CIF), số giấy tờ tùy thân, loại giấy tờ tùy thân, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số tài khoản, ngày mở tài khoản, số điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, lý do nghi ngờ, trạng thái tài khoản và thông tin định danh duy nhất của thiết bị (địa chỉ MAC).

Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo hướng dẫn kỹ thuật kết nối của nhà điều hành.

Cùng với đó, phía nhà điều hành cũng đã xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi rỏ gian lận trong hoạt động thanh toán, gọi tắt là SIMO.

Hệ thống SIMO giúp kết nối các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán thông qua cả hai giao thức là portal và API với mục đích xây dựng 1 kho dữ liệu chung về tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận.

Không chỉ NHNN quản lý sát sao, hiện Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) cũng đã triển khai giải pháp kết nối với các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán để thiết lập hệ thống thông tin kết nối trực tuyến.

Giá vàng SJC điều chỉnh giảm

Sau hơn hai tuần giữ ở mức 81 triệu đồng, biểu giá bán mỗi lượng vàng miếng SJC được thay đổi. Ngày 5/9, NHNN thông báo giá bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 79,5 triệu đồng, giảm nửa triệu so với hôm trước. Theo quy định của NHNN, các đơn vị này được phép bán chênh tối đa 1 triệu đồng so với giá mua từ cơ quan quản lý.

Lãi suất huy động biến động trái chiều, tỷ giá ngân hàng trượt sâu,
Giá vàng điều chỉnh giảm. Ảnh: T.L

Như vậy, sau hơn hai tuần giữ ở mức 81 triệu đồng, biểu giá bán mỗi lượng vàng miếng của SJC đã được thay đổi. Cụ thể, giá mỗi lượng vàng miếng thương hiệu SJC lùi về 80,5 triệu đồng. Ở chiều mua vào, giá vàng miếng SJC giảm tương đương, xuống 78,5 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán vàng nhẫn giữ ở mức 77,4 – 78,6 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra tương đương với tuần trước đó.

Tỷ giá ngân hàng trượt sâu, “thủng” mốc 25.000 VND/USD

Tuần qua ghi nhận tỷ giá tiếp tục giảm nhẹ, tỷ giá trung tâm đầu tuần được NHNN công bố ở mức 24.224 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước. Tỷ giá trung tâm tuy có tín hiệu tăng nhẹ vào giữa tuần, nhưng sau đó lại giảm vào những ngày cuối tuần, với tỷ giá công bố hôm thứ Sáu là 24.222 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD so với hôm đầu tuần.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra của Vietcombank hôm thứ Hai đầu tuần là 25.030 đồng/USD, không đổi so với hôm thứ Sáu tuần trước. Diễn biến tỷ giá bán ra của ngân hàng này tuần qua ghi nhận sự đi ngang vào những ngày đầu tuần, sau đó giảm mạnh vào cuối tuần, ghi nhận 24.925 đồng/USD vào hôm thứ Sáu, giảm 105 đồng/USD so với hôm đầu tuần.

Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã giảm hơn 500 đồng, tương đương mức giảm gần 2%./.

Chỉ số DXY biến động nhẹ

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ có xu giảm mạnh trong tuần qua. Tại thời điểm chiều ngày 6/9 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY ghi nhận ở mức khoảng 101 điểm, xấp xỉ mức điểm của chỉ số này trước đó 1 tuần.