Lãi suất huy động giảm, dòng tiền liệu có rời khỏi hệ thống ngân hàng?
27 ngân hàng thương mại trong nước hạ lãi suất huy động từ 0,1 đến 1,05 điểm %/năm sau chỉ đạo của nhà điều hành. Mức lãi suất 6%/năm trên thị trường hiện rất hiếm.
Hiếm có lãi suất 6%/năm
Trong tháng 3, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, như: LPBank, VPBank, PGBank, VietABank, KienlongBank, Bac A Bank, Eximbank, LPBank, Nam A Bank, NCB, SHB, VCBNeo, VIB, Vikki Bank, MBV, BIDV, Techcombank, VietinBank, OCB, ABBank, BAOVIET Bank, BVBank, VPBank… Thậm chí, Eximbank đã hạ lãi suất 4 lần, Kienlongbank 3 lần, PGBank và LPBank 2 lần.
Hiện chỉ có GPBank là ngân hàng trả lãi suất trên 6%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng, Vikki Bank trả lãi suất 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Còn tại các nhà băng khác, nếu muốn được hưởng mức lãi suất từ 6%/năm thì khách phải gửi kỳ hạn dài hơn.
![]() |
Tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng. |
Theo nhận định của các chuyên gia, mặt bằng lãi suất đã giảm xuống mức thấp, nên ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc huy động vốn. Với mức giảm lãi suất mạnh như hiện nay, chênh lệch lãi suất tiền gửi với lạm phát ở mức rất thấp.
“Lãi suất tiết kiệm khoảng 6%/năm. Trong khi giá giao dịch vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều đang neo ở vùng đỉnh lịch sử. Tính từ đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 23%, trong khi giá vàng miếng cũng tăng tới 20%. Đà tăng này giúp người mua vàng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khoản lãi hơn 16 triệu đồng/lượng, tương đương mức lãi ròng gần 20% chỉ trong quý I. Mức lợi nhuận này đã giúp vàng đánh bại mọi loại tài sản đầu tư phổ biến khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ...”, một nhà đầu tư cho hay.
Các chuyên gia cũng cho rằng kênh gửi tiết kiệm dường như không còn là ưu tiên hàng đầu sẽ khiến các ngân hàng khó khăn trong huy động vốn trung dài hạn, thanh khoản của ngân hàng eo hẹp, vốn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, diễn biến tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu từ cuối năm 2023 và kéo dài đến nay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 15,08%, trong khi huy động vốn tăng trưởng khoảng hơn 9,1%. Nếu tính cả huy động thông qua phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành hơn 302.000 tỷ đồng thì tổng mức huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng khoảng 11,5%.
Hồi đầu tháng 2, tại Hội thảo Sử dụng vốn hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ: Cho đến thời điểm hiện nay, chỉ số hệ số an toàn được hầu hết các ngân hàng thương mại sử dụng tối đa. Tức là nới ra mức cao nhất, như ngân hàng huy động 10 đồng thì được cho vay 9 đồng, nhưng hiện nay, nhiều ngân hàng cho vay cả trên 10 đồng rồi, tức là ngân hàng phải sử dụng cả vốn tự có, cả vốn điều lệ của các ngân hàng, cả vốn tái cấp vốn của NHNN hỗ trợ để cho vay nhiều hơn cả vốn huy động.
"Hiện nay, tổng vốn huy động là 15,2 triệu tỷ đồng nhưng cho vay 15,8 triệu tỷ đồng. Trong khi ở các nước huy động 10 đồng thì cho vay chỉ 9 đồng thôi, còn 1 đồng phải đảm bảo an toàn", ông Tú nói.
Đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng
Theo dự báo của các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, việc cạnh tranh hút tiền gửi của các nhà băng với kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng càng trở nên khó khăn hơn.
Với mục tiêu bơm 2,5 triệu tỷ đồng cho vay ra nền kinh tế, lãnh đạo NHNN đặt vấn đề: Số tiền này lấy từ đâu, từ tài khoản thanh toán của các ngân hàng hay là động viên người dân gửi tiết kiệm nhiều hơn? "NHNN sẽ có nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp", Phó thống đốc NHNN cho hay.
Tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 4, được tổ chức hồi đầu tháng 3, một lần nữa, ông Tú chia sẻ, việc triển khai các giải pháp, nhất là giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, là trách nhiệm rất lớn, NHNN luôn đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nên các ngân hàng không cần phải cạnh tranh lãi suất huy động để hút tiền gửi.
Thực tế, gần đây, nhà điều hành đã có động thái mạnh mẽ khi bơm ròng hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh OMO, giúp ổn định thanh khoản và hỗ trợ giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, giảm áp lực huy động cho các ngân hàng thương mại.
Gần đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 28/3, NHNN bơm ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với tổng lượng tiền đạt khoảng 4.589,1 tỷ đồng, tập trung ở hai kỳ hạn ngắn là 7 ngày (1.107,01 tỷ đồng) và 14 ngày (3.482,09 tỷ đồng). Lãi suất trúng thầu ổn định mức 4%/năm.
Tính chung cả tháng 3, lượng tiền NHNN bơm ròng qua OMO lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Động thái này giúp các ngân hàng thương mại đảm bảo nguồn vốn, ổn định lãi suất, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Nhờ nguồn cung dồi dào từ NHNN, thị trường liên ngân hàng ghi nhận thanh khoản ổn định. Báo cáo của NHNN từ ngày 17-21/3/2025 cho thấy, doanh số giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng đạt gần 2,34 triệu tỷ đồng, bình quân khoảng 468.587 tỷ đồng/ngày, tăng mạnh so với tuần trước đó. Giao dịch tập trung chủ yếu ở kỳ hạn ngắn, qua đêm chiếm tới 92% và kỳ hạn 1 tuần chiếm 3% tổng doanh số giao dịch.
Thanh khoản tốt giúp các ngân hàng thương mại giảm áp lực huy động vốn từ thị trường dân cư và doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động trong thời gian qua.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn