Lãi suất huy động liên tục nhích tăng và hiệu ứng tới các kênh đầu tư
Diễn biến lãi suất huy động tăng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thị trường tiền tệ. Ảnh tư liệu

Lãi suất liên tục tăng

Nhịp tăng lãi suất tiền gửi bắt đầu xuất hiện từ khoảng tháng 3/2024 và vẫn diễn ra liên tục đều đặn từ thời điểm đó đến nay và ngày càng nhiều ngân hàng góp mặt vào danh sách các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất như MB, Eximbank, NCB, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank… Thậm chí, có ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất nhiều lần trong giai đoạn vừa qua và riêng tháng 6/2024, trên thị trường sơ bộ đã có tới khoảng 20 đợt tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại. Diễn biến này tiếp tục kéo dài sang tháng 7 khi trong vòng nửa tháng, đã có khoảng 10 đợt tăng lãi suất của các ngân hàng.

FED sớm hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm áp lực tăng lãi suất trong nước

Giới tài chính kỳ vọng nếu lạm phát tiếp tục có tín hiệu tích cực khác vào tháng 8 có thể thúc đẩy FED nới lỏng chính sách tiền tệ với nhiều hơn 1 lần hạ lãi suất trong năm 2024. Công cụ FED Watch tại thời điểm chiều ngày 16/7 đưa ra tỷ lệ dự báo xác suất lên tới gần 90% khả năng FED cắt giảm lãi suất xuống mức 5 - 5,25% vào phiên họp tháng 9.

Diễn biến lãi suất huy động tăng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thị trường tiền tệ khi nhu cầu vốn cho vay của các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng bật tăng kể từ tháng 3 trở lại đây. Cụ thể sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, tín dụng từ tháng 3 đến tháng 6 cũng đã phục hồi mạnh trở lại. Đặc biệt, định hướng chung của ngành ngân hàng cũng vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm.

Tại hội nghị ngành ngân hàng về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng diễn ra giữa năm 2024, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng, bổ sung quy định về đơn giản hóa thủ tục đối với các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng…

Ở góc độ từng ngân hàng cụ thể, một số ngân hàng cũng vẫn ra các mục tiêu khá tham vọng cho việc đẩy mạnh tín dụng trong nửa cuối năm 2024. Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB cho biết, với mục tiêu năm nay tăng trưởng khoảng 15,5%, chúng tôi cần đạt tăng trưởng khoảng 8% trong sáu tháng cuối năm và MB dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu vào đầu hoặc giữa quý IV.

Những hiệu ứng có thể xảy ra

Diễn biến tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thường tạo ra tâm lý có phần tiêu cực hơn đối với các thị trường tài sản như vàng, chứng khoán, bất động sản… do lãi suất tăng dẫn đến tăng chi phí cơ hội về vốn cho việc việc đầu tư tài sản.

Câu chuyện còn chưa xa có thể kể đến là thời điểm cuối năm 2022, khi các ngân hàng liên tục tăng lãi suất thì cũng là thời điểm thị trường bất động sản đi vào giai đoạn “ngủ đông”, trong khi chứng khoán cũng chứng kiến đợt suy giảm mạnh rơi xuống vùng đáy 950 điểm vào hồi cuối tháng 11/2022.

Mặc dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng, bối cảnh lãi suất giai đoạn này cũng khác nhiều so với thời kỳ cuối năm 2022. Cụ thể, thời điểm cách đây gần 2 năm, thị trường tiền tệ chứng kiến một giai đoạn “bùng nổ” của lãi suất và đó là giai đoạn khá nóng của cuộc đua tăng lãi suất, với lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã chạm ngưỡng 11,5%/năm, chưa kể nhiều ngân hàng còn đưa ra các hình thức khuyến mại, tặng quà để tăng sức hút với người gửi tiền. Khi đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phải có nhiều cuộc họp để đi đến đồng thuận từ các hội viên không để lãi suất huy động vượt quá 9,5%.

Trong khi đó, bối cảnh lãi suất tăng trong hơn 3 tháng qua có đặc điểm khác bởi dù các ngân hàng nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất nhưng mỗi lần chỉ là mức điều chỉnh rất nhẹ. Bà Phan Thị Thu Hằng -Trưởng Phòng Khối tư vấn đầu tư thuộc Công ty chứng khoán VPS cho biết, lãi suất gần đây có tăng nhưng thực chất chỉ tăng trên nền vùng đáy rất thấp giai đoạn đầu năm 2024. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động dù đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước dịch Covid-19 và điều đó cho thấy diễn biến tăng lãi suất chưa đủ tác động đáng kể đến các kênh tài sản, trong đó có chứng khoán.

Trong khi đó, áp lực tăng lãi suất trong nước gần đây cũng đang được giải tỏa bởi các yếu tố quốc tế, khi các chỉ số vĩ mô của Mỹ mới xuất hiện hậu thuẫn cho khả năng chắc chắn hơn về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hạ lãi suất. Dữ liệu công bố mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,3% so với tháng 5. CPI tháng 6 được dự báo tăng 3,1%. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự báo 3,4% và mức tăng 3,4% được thấy trong báo cáo tháng 5./.