Lãi suất huy động liên tục tăng, ngân hàng nào đang huy động được nhiều tiền nhất?
Theo tổng hợp báo cáo tài chính quý II/2024 của 29 ngân hàng thương mại trong nước, tổng tiền gửi khách hàng đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 473.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 4% so với cuối năm 2023, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục có xu hướng tăng từ tháng 4 đến nay.
Hoạt động huy động khởi sắc
Trước đó, số liệu được đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến ngày 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm. Tính đến đầu tháng 8/2024, mức lãi suất cao nhất lên trên 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài, hình thức gửi trực tuyến và tập trung ở khối ngân hàng tư nhân.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 473.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 4% so với cuối năm 2023. |
Trong quý I, nếu loại trừ Agribank, tổng tiền gửi chỉ tăng 0,7% so với cuối năm 2023. Bước sang quý II, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã bật tăng mạnh đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 473.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 4% so với cuối năm 2023.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, tính đến cuối tháng 6, nhóm Big 4 (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) dẫn đầu về số dư tiền gửi.
Cụ thể, quán quân là Agribank với tổng số dư tiền gửi là 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm ngoái. Tiếp theo là BIDV với tổng tiền gửi đạt 1,81 triệu tỷ đồng, tăng hơn 102.200 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương ứng tăng 6% - mức tăng cao nhất trong nhóm Big 4. Theo sau là Vietinbank với số dư là 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4%.
Riêng Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận lượng tiền gửi giảm 1,5% so với cuối năm 2023, còn 1,37 triệu tỷ đồng.
Xét về quy mô, 4 ngân hàng quốc doanh vẫn đứng đầu toàn hệ thống với tổng số dư tiền gửi là hơn 6,4 triệu tỷ đồng, dù lãi suất huy động tại các ngân hàng này vẫn đang ở mức đáy, chỉ khoảng từ 2,9%/năm cho kỳ hạn ngắn và 4,7%/năm với các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng trở lên.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, MB giữ vị trí thứ 5 toàn hệ thống với hơn 618.618 tỷ đồng tiền gửi, tăng 9% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong top 10 ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống. Theo sau là Sacombank với 549.184 tỷ đồng tăng 7,5% so với hồi đầu năm, tương ứng tăng khoảng 38.440 tỷ đồng.
Cùng tăng trưởng từ 6% có 3 ngân hàng bao gồm ACB, Techcombank và VPBank, với số dư tiền gửi lần lượt đạt là 515.696 tỷ đồng, 481.806 tỷ đồng và 471.349 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều nhà băng không nằm trong top 10 ngân hàng có quy mô tiền gửi lớn nhất nửa đầu năm nay, nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi mạnh như: LPBank tăng 21,4%, tương ứng 50.700 tỷ đồng; MSB tăng 14,7%, tương ứng 19.400 tỷ đồng; OCB tăng 12,4%, tương ứng 15.600 tỷ đồng và NCB tăng 11,1%, tương ứng 8.600 tỷ đồng…
Kênh tiết kiệm vẫn hấp dẫn dòng tiền
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Còn theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2024, tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các TCTD đạt 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng liền trước, tăng 0,4% tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Như vậy, số dư tiền gửi tại các TCTD trong 4 tháng đầu năm nay đã chính thức lập kỷ lục mới sau khi tăng trưởng âm so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của người dân đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới.
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.
Số liệu của NHNN cho thấy, đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6%, tăng mạnh trong bối cảnh 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm.
Một số ngân hàng cho biết, việc điều chỉnh nhích lên lãi suất huy động nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng thường tăng cao vào giai đoạn cuối năm.
Giới chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng từ 0,5 - 1%/năm trước áp lực việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi.
TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM nhận định, tiết kiệm vẫn sẽ là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền ở hiện tại và trong thời gian tới. Đây là kênh đầu tư dành cho mọi người dân, người dân sẽ được “kê cao gối ngủ” bởi trong bất kỳ tình huống nào, tiền gửi của họ luôn được đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng. Mặt khác, hàng loạt ngân hàng cũng đang điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tăng ở nhiều kỳ hạn để thu hút tiền gửi sau một thời gian dài giữ ở mức thấp.
Đặc biệt, cùng với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các ngân hàng đã dành nhiều ưu đãi cho kênh gửi tiết kiệm online để thu hút khách hàng với nhiều hình thức như cộng lãi suất, tặng quà... Đối với tiết kiệm online, yếu tố an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của người dân. Hiện nay, các ngân hàng đã áp dụng công nghệ sinh trắc học tiên tiến để bảo vệ an toàn cho các giao dịch của khách hàng.
Để hút tiền gửi, các chuyên gia nhấn mạnh ngoài tăng lãi suất, các ngân hàng cạnh tranh bằng dịch vụ an toàn, tiện lợi, tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng, cá nhân hoá theo từng nhóm khách hàng. Đồng thời, tích cực áp dụng các công nghệ hiện đại vào số hoá sản phẩm, dịch vụ, đa dạng các sản phẩm tiền gửi một cách linh hoạt, tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác đi kèm, có như vậy mới giữ chân được dòng tiền ở lại với ngân hàng.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn