Động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ. Ảnh tư liệu |
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất
Những ngày qua, rục rịch nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động. ACB là một trong những ngân hàng vừa có thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động trực tuyến, với mức mức tăng khoảng 0,2% với các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng. Theo đó, tiền gửi dưới 200 triệu đồng được ngân hàng này huy động với lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng lần lượt được niêm yết ở mức 2,5% - 2,7% - 2,9%/năm.
Ngoài ra, Bac A Bank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, với mức tăng từ 0,15 - 0,4%/năm. Theo biểu lãi suất huy động mới nhất do Bac A Bank ban hành, áp dụng cho tài khoản tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1 - 11 tháng đồng loạt tăng 0,15%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 - 13 tháng được tăng thêm 0,25%/năm, lên 4,85%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 15 và 18 tháng cùng tăng thêm 0,15%/năm, lần lượt được niêm yết ở mức 5,05%/năm và 5,25%/năm.
Trước đó trong tháng 4, một số ngân hàng cũng đã tăng lãi suất huy động như: HDBank, MSB, VPBank, KienlongBank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank.
Sau tăng lãi suất, danh sách ngân hàng đứng đầu với lãi suất cao nhất có nhiều thay đổi so với đầu tháng 4/2024. Hiện nay, lãi suất cao nhất kỳ hạn 1 tháng thuộc về NCB, với mức 3,1%/năm; lãi suất cao nhất kỳ hạn 6 tháng thuộc về KienlongBank, với 4,5%/năm; lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng thuộc về OceanBank, với 5,3%/năm…
Ngoài các mức lãi suất cho khách hàng thông thường, một số ngân hàng còn đưa ra các mức lãi suất vượt trội hơn, nhưng kèm theo điều kiện có phần “thách đố”, chẳng hạn yêu cầu số tiền gửi phải lên tới 200 tỷ đồng. Cá biệt có ngân hàng đưa ra mức lãi suất tiền gửi 12 và 13 tháng lên tới 9,5%/năm, nhưng yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tăng, nhưng chưa cao
Động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng đang là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ và điều đặc biệt là làn sóng đang lan rộng ra nhiều ngân hàng chứ không chỉ ở một vài ngân hàng.
Diễn biến tại thị trường liên ngân hàng thời gian qua cũng cho thấy nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đang có xu hướng gia tăng. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hiện đã lên mức 4,6%/năm. Đây là mặt bằng suất cao hơn rất nhiều so với thời điểm đáy hồi cuối tháng 3 khi có lúc lãi suất qua đêm về chỉ còn 0,13%/năm.
Ngoài ra, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng liên tục bơm tiền qua thị trường mở và có những phiên khối lượng bơm tiền cũng khá lớn. Trong đó, một số phiên có khối lượng bơm tiền rất lớn, chẳng hạn như phiên 23/4 bơm 36 nghìn tỷ đồng; phiên 24 và 25/4 mỗi phiên bơm 25 nghìn tỷ đồng; phiên 26/4 là hơn 23 nghìn tỷ đồng…
Mặc dù vậy, việc các ngân hàng gia tăng nhu cầu vốn cũng là quy luật hợp lý bởi 3 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất chậm (đặc biệt tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm), khiến vốn huy động dư thừa trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhu cầu tăng tốc cho vay trong thời gian tới là rất lớn bởi hiện tại, NHNN vẫn giữ nguyên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 15% như đã đề ra hồi đầu năm. Trong khi đó với số liệu của NHNN về tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3/2024 là 1,34% so với cuối năm 2023, thì nhu cầu vốn để các ngân hàng bơm vào nền kinh tế cho phần còn lại của năm là khá lớn, tương ứng với mức tăng trưởng thêm là 13,66% dành cho 9 tháng cuối năm.
Trong khi đó, diễn biến lãi suất huy động thời gian qua tuy có xu hướng tăng, nhưng trên cơ sở nền lãi suất rất thấp thời kỳ đầu năm 2024. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động sau khi đã tăng cũng chỉ ở mức phổ biến khoảng 4% với kỳ hạn 6 tháng và chỉ quanh mốc 5% với kỳ hạn 12 tháng. Mặt bằng này vẫn thấp hơn so với mặt bằng lãi suất huy động giai đoạn quý III/2023, là thời điểm sau khi NHNN đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành hồi đầu năm 2023. Theo đó với bối cảnh hiện tại, thị trường nếu không xuất hiện thêm các yếu tố mới có tính chất bất thường thì cũng chưa đủ gây áp lực buộc NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất điều hành.
Trong nội dung phát biểu tại thời điểm cuối tháng 4 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu", Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng vẫn khẳng định NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành và đang khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.
Trong khi đó ở góc độ chuyên gia độc lập, ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi.
Theo ông Tim, chính sách tiền tệ với đồng Việt Nam sẽ được cân bằng dựa trên những cải thiện từ yếu tố bên ngoài và dự trữ ngoại hối. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ hỗ trợ cho tiền tệ trong khi nhập khẩu cũng được cải thiện và chuyên gia của Standard Chartered dự báo thặng dư tài khoản vãng lai sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2024.
Áp lực từ bên ngoài có phần dịu bớt Các yếu tố bên ngoài cũng đang có phần dịu bớt đối với thị trường tiền tệ trong nước, trong đó đáng chú ý là diễn biến cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa kết thúc đầu tháng 5/2024. Kết quả, FED vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản và điều này không gây bất ngờ với giới tài chính quốc tế, nhưng thông điệp đáng chú ý được FED đưa ra trong cuộc họp lần này cho thấy FED đã phủ nhận khả năng sẽ tăng lãi suất. Trong khi đó, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của USD cũng có phần dịu bớt so với thời kỳ đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2024, nay đã lùi về mức khoảng hơn 105 điểm. |