Lãi suất lao xuống đáy mới, cả năm 2024 khó hy vọng tăng lên
Lãi suất huy động giảm còn 1,7%/năm
Ngày 12/1, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) giảm lãi suất huy động thêm 0,1- 0,2% so với trước đó, xuống mức thấp nhất trên thị trường ở mức 1,7%năm.
Cụ thể, tại kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank giảm từ 1,9%/năm xuống còn 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,2%, xuống 2%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 4,7%, giảm 0,1%. Kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng áp dụng lãi suất tương tự như 12 tháng.
Vietcombank là ngân hàng đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động và luôn duy trì ở mức thấp nhất trên thị trường. Tuy vậy, lượng tiền gửi đổ vào nhà băng này từ tổ chức, cá nhân trong năm 2023 vẫn tăng 12,1% và đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng.
So sánh với những thành viên còn lại trong nhóm Big4 (bao gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank) thì 3 ngân hàng còn lại vẫn duy trì lãi suất cao nhất ở mức 5,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, cao hơn 0,6% so với Vietcombank. Với những kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất giữa Vietcombank và các nhà băng này chênh lệch từ 0,3-0,5 điểm %.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) cũng vừa tiến hành lãi suất 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Theo đó, lãi suất huy động của nhà băng này ở kỳ hạn từ 1-5 tháng còn 4,2%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng còn 5,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 5,5%/năm.
Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, có 14 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, gồm: Vietcombank, BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, Viet A Bank. Trong đó, OCB giảm lãi suất huy động lần thứ hai kể từ đầu tháng 1.
Ngược lại, một số nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động. ACB, ABBank và VPBank là những ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng dao động từ 1,7-4,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 3-5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 4,6-5,8%/năm.
Lãi suất huy động năm 2023 đã trải qua những đợt giảm hiếm thấy trong lịch sử. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5-3% so với đầu năm. So với giai đoạn Covid-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5%, nhưng lại tương đồng ở kỳ hạn 6-9 tháng.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo cầu tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm 2024, dẫn đến nguy cơ ngân hàng thiếu hụt thanh khoản nếu dòng tiền ra khỏi ngân hàng nhiều hơn chảy vào. Điều đó có thể buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại để hút vốn. Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất huy động trong năm 2024 sẽ tương đối khiêm tốn.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước dịch Covid-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Nhưng trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1-1,5 % trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong khi đó, Chứng khoán VnDirect nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024", VnDirect nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong năm 2024, lãi suất huy động có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. SSI cho rằng lãi suất huy động bình quân trong năm nay sẽ không có chênh lệch quá lớn so với hiện tại.
Tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng
Lãi suất huy động đã xuống thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa, nhu cầu tín dụng yếu.
Vào tuần trước, NHNN đã hút ròng 4.450 tỷ đồng trên thị trường mở. Thông qua hình thức mua kỳ hạn, NHNN bơm 1 tỷ đồng trên OMO (kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%), trong khi 4.551 tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đã đáo hạn.
Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần đồng loạt giảm mạnh trong tuần qua, với mức giảm lần lượt 0,28%; 2,79%; 2,67% xuống 0,23%; 0,44%; 0,6%, quay trở lại mặt bằng lãi suất thấp trong tháng 12.
Lãi suất liên ngân hàng xuống thấp cho thấy thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào.
Theo số liệu mới nhất được công bố từ NHNN, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022. Góp phần không nhỏ vào tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế là nỗ lực từ 4 ông lớn trong nhóm Big4.
Dù lãi suất tiết kiệm giảm liên tục và hiện đã xuống đáy nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng mạnh.
Theo NHNN, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 13,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 14% so với năm 2022.
Trong năm 2023, số dư huy động vốn của nhóm Big4 tăng thêm gần 778.900 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,7 triệu tỷ đồng.
Lý do dù lãi suất giảm sốc nhưng người dân vẫn chọn gửi tiền là vì hiện các kênh đầu tư khác khá rủi ro, bất động sản đóng băng. Do vậy, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi.
Hiện mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên người gửi tiền vẫn có lợi, lãi suất thực dương.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn