Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ 'dậy sóng' và lan sang huy động dân cư?
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, huy động tiền gửi mà không cho vay được để trả lãi khách hàng là ngân hàng “đủ để chết”. Nếu có nguồn cho vay thì huy động cao một chút cũng không phải là vấn đề. Ví dụ, cho vay với lãi suất 7,5 - 8%/năm mà huy động 6%/năm cũng giúp ngân hàng có chút lãi mỏng, còn hơn huy động với lãi suất chỉ 3%/năm mà không cho vay được, đồng nghĩa ngân hàng bị lỗ.
17 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 4
Theo ghi nhận của VnBusiness, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ mức 0,31%/năm vào ngày 28/3 lên 4,08%/năm vào ngày 25/4 sau khi trải qua nhiều phiên áp sát mức trần 5%.
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua là do cộng hưởng của nhiều yếu tố: Kinh tế hồi phục, xuất khẩu tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh nên vốn cũng được đưa vào sử dụng nhiều hơn. Đồng thời, thu nhập ổn định thúc đẩy tiêu dùng và bất động sản phục hồi cũng thúc đẩy cầu về vốn tăng lên.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng tiền qua kênh tín phiếu kết hợp thông tin tăng trưởng tín dụng phục hồi đã "đẩy" lãi suất liên ngân hàng.
Không chỉ lãi suất liên ngân hàng tăng, một số nhà băng cũng đã tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm để đón đầu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất huy động đã chạm đáy và bắt đầu đi lên. |
Khảo sát của VnBusiness cho thấy, đến thời điểm hiện tại, có tới 17 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, TPBank, VPBank, KienLong Bank, ACB...
Đáng chú ý, xu hướng tăng lãi suất còn diễn ra ở cả ngân hàng thuộc nhóm Big 4. Theo đó, VietinBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, với mức tăng từ 0,2 - 0,4%/năm.
BIDV cũng ghi nhận lần đầu tiên tăng lãi suất huy động trong hơn một năm qua, với mức tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn 1 - 11 tháng. Với việc điều chỉnh tăng lãi suất, BIDV là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối với các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng.
Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lại lớn như vậy. Trong đó, VPBank và KienLong Bank là ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank nhận định về xu hướng tăng lãi suất huy động: "Gần đây, lãi suất huy động có tăng ở một số ngân hàng nhưng chúng tôi đánh giá chỉ là tăng tạm thời. Nhìn chung năm nay, lãi suất nằm ở mặt bằng thấp. Vì vậy, VPBank dự kiến NIM sẽ phục hồi lên 4,9-5% do tiết kiệm được chi phí vốn".
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng cho rằng lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều. Kịch bản xấu nhất, theo ông Hưng, lãi suất sẽ tăng 1%/năm, còn bình thường chỉ 0,3 - 0,5%/năm.
Chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc tăng lãi suất tiết kiệm sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… đang có tín hiệu phục hồi và thu hút dòng tiền trở lại, việc tăng lãi suất để tăng khả năng cạnh tranh về vốn cũng được các ngân hàng lưu tâm.
Lãi suất cho vay có thể nhích nhẹ?
Chính phủ và NHNN vẫn chủ trương duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng sẽ cần tính toán lãi suất ở mức hợp lý.
Chia sẻ thêm về câu chuyện thị trường, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Giữa kỳ hạn dưới 6 tháng và trên 6 tháng, mức độ chênh lệch khoảng 2%/năm. Ngân hàng luôn thả nổi lãi suất và điều chỉnh sau 3 tháng, nhưng 12 tháng lại hoàn toàn cố định. Huy động tiền gửi kỳ hạn dài, thường các ngân hàng phải bù rất nhiều. Hiện, TPBank vẫn đang phải trả lãi suất 12 tháng của người gửi tiền từ tháng 5/2023 với lãi suất khoảng 8%/năm”.
Với "làn sóng" điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đưa ra dự báo về sự tăng nhẹ trở lại của lãi suất.
Về lãi suất cho vay trong thời gian tới, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB, cho biết Chính phủ yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2023, lãi suất cho vay bình quân của MB giảm 1-1,5%/năm.
"Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, chúng tôi thấy lãi suất duy trì như những tháng đầu năm là không dễ. Chúng tôi đánh giá lãi suất sẽ đi ngang hoặc xu hướng tăng lên về cuối năm", ông Thái nói.
Dựa trên dự báo về tỷ giá và lãi suất trên thị trường, ông Thái cho hay sẽ đưa ra quyết định phù hợp. Hiện, lãi suất tiền gửi được MB duy trì tương đối ổn định.
Với Techcombank, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, trả lời câu hỏi "Liệu Techcombank có tính đến việc tăng lãi suất khi thị trường có một số ngân hàng đã nâng lãi suất tiền gửi?", Tổng giám đốc Jens Lottner, cho hay phần lớn nguồn vốn cho vay của Techcombank có từ vốn gửi không kỳ hạn chứ không phải từ nguồn vốn có kỳ hạn. Nếu như Techcombank có động thái nào để tăng lãi suất thì cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng. Trong khi đó, hiện nhu cầu vay vốn thấp và lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực là khá rẻ.
"Còn việc một số ngân hàng đã quyết định tăng lãi suất huy động, đó là việc của họ và nó không ảnh hưởng gì đến Techcombank cả. Có thể chúng tôi không sẵn sàng tham gia vào cuộc đua lãi suất huy động này", ông Jens Lottner nói.
Về lãi suất cho vay, theo Công ty chứng khoán VNDirect, các ngân hàng thương mại vẫn còn dư địa giảm thêm (dù không lớn) nhờ đã tiết giảm chi phí vốn sau đợt giảm lãi suất huy động từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn