Lãi suất tiền gửi liên tục tăng hút dòng tiền cho nhu cầu tín dụng cuối năm

Agribank đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động sau nhiều tháng giữ nguyên hoặc giảm xuống. Theo đó, tại kỳ hạn 1-2 tháng, 3-5 tháng và trên 24 tháng, Agribank điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm, lần lượt lên mức 1,7%/năm, 2%/năm và 4,8%/năm. Các kỳ hạn khác được giữ nguyên.

Cũng từ đầu tháng 8/2024, Sacombank điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn, đưa lãi suất cao nhất lên 5,2%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng.

Eximbank cũng đã tăng lãi suất huy động từ ngày 1/8/2024, nhưng chỉ điều chỉnh duy nhất kỳ hạn tiền gửi 12 tháng thêm 0,4%/năm lên 5,4%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) và 5,2%/năm đối với khách hàng lĩnh lãi hàng tháng.

Saigonbank cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động cho tất cả kỳ hạn thêm 0,3%/năm, với lãi suất cao nhất lên tới 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

TPBank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1-6 tháng, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,7%/năm kỳ hạn 36 tháng…

Trước đó, thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, trong tháng 7/2024 có 16 ngân hàng, bao gồm 4 ngân hàng thương mại quy mô lớn là MB, VPBbank, Sacombank và BIDV điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1-0,7 điểm %.

Lãi suất huy động tăng từ tháng 4/2024 đến nay đã giúp nhiều ngân hàng huy động được lượng lớn tiền gửi. Tổng hợp từ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của 29 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2023.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo NHNN và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ vào ngày 5/8/2024, Thủ tướng Chính phủ cho hay, tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, số tiền này đã được đưa vào nền kinh tế thông qua cấp tín dụng.

Nhưng Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục sử dụng nguồn lực này ngày càng hiệu quả.

Năm 2024, Thủ tướng yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%.

Trong đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước vẫn đứng đầu toàn hệ thống với tổng số dư tiền gửi hơn 6,4 triệu tỷ đồng. Agribank dẫn đầu với 1,83 triệu tỷ đồng, nhưng chỉ tăng 0,9% so với cuối năm ngoái. BIDV tăng 6%, VietinBank tăng 4% trong khi Vietcombank lại giảm 1,5% so với cuối năm ngoái.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi ở mức 2 con số như LPBank, MSB, OCB, NCB; hoặc có mức tăng trưởng huy động trên 6% như Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, SHB...

Các chuyên gia nhận định, yếu tố thúc đẩy lãi suất huy động tăng lên chủ yếu do tín dụng đang tăng nhanh hơn so với tốc độ huy động vốn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023. Tính đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.

Tính riêng các ngân hàng theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng như LPBank, HDBank, ACB, MB, VPBank, Techcombank... có mức tăng trưởng tín dụng từ 12-15% so với cuối năm 2023, duy nhất ABBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng ở mức âm hơn 7% so với cuối năm trước.

Báo cáo phân tích của MBS dự báo, lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.

Điều đáng mừng là lãi suất cho vay không theo xu hướng tăng. Báo cáo của NHNN cho hay, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn