Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

Từ đầu tháng 8/2024, nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng lãi suất. Cụ thể, tại Sacombank ở kỳ hạn ngắn, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,5 điểm phần trăm lên 2,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,4 điểm phần trăm lên 3,2%/năm... Với kỳ hạn dài từ 12 tháng, ngân hàng này tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,9%/năm. Lãi suất cao nhất tại Sacombank hiện là 5,2%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng.

Tương tự, trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ đầu tháng 8, Agribank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất lên 1,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 2%/năm, tăng 0,1 điểm phần trăm so với trước đó.

Đây là lần đầu tiên ngân hàng thương mại quốc doanh này tăng lãi suất trong nhiều tháng qua. Agribank là ngân hàng tiếp theo trong nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh tăng lãi suất tiền gửi.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) thống kê, trong tháng 7 có tổng cộng 16 ngân hàng, bao gồm 4 ngân hàng thương mại quy mô lớn là MB, VPBank, Sacombank và BIDV điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1- 0,7%. Một số ngân hàng cho biết, điều chỉnh nhích lên lãi suất huy động nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng thường tăng cao vào giai đoạn cuối năm.

Hiện lãi suất huy động ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt khoảng 6%, tăng mạnh trong bối cảnh 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm.

Thực tế, sau khi chạm “đáy” vào đầu năm nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng trở lại từ quý II/2024. Sau 6 tháng đầu năm, tổng tiền gửi tại 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và BaoViet Bank, Agribank) đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 4% hay 473.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Thế nhưng, so với tăng trưởng tín dụng thì tốc độ huy động vốn chậm hơn.

Tính đến ngày 30/6, có 4 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm, bao gồm Vietcombank, TPBank, VietABank và ABBank. Trong đó, ABBank ghi nhận số dư tiền gửi giảm 14,5%, tương đương 14.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ VietABank, ba ngân hàng còn lại đều ghi nhận số dư tiền gửi cải thiện so với thời điểm cuối quý I/2024.

Ngược lại, có tới 4 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số là LPBank (tăng 21,4% hay 50.700 tỷ đồng), MSB (tăng 14,7% hay 19.400 tỷ đồng), OCB (tăng 12,4% hay 15.600 tỷ đồng) và NCB (tăng 11,1% hay 8.600 tỷ đồng).

Xét về quy mô, Agribank đang dẫn đầu với 1,83 triệu tỷ đồng tiền gửi vào cuối quý II/2024, tăng 0,9% so với cuối năm ngoái, hay khoảng 16.900 tỷ đồng. BIDV, với tổng tiền gửi đạt 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái hay 102.200 tỷ đồng.

VietinBank và Vietcombank lần lượt nắm giữ hai vị trí tiếp theo, với số dư lần lượt là 1,47 triệu tỷ đồng và 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 4% và giảm 1,5% so với cuối năm 2023.

Đối với nhóm cổ phần, MB tiếp tục là ngân hàng nhận nhiều tiền gửi nhất, với số dư đạt 618.618 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm ngoái. Tiếp theo lần lượt thuộc về Sacombank, ACB và Techcombank. Trong khi đó, VPBank đã tiếp tục nới rộng khoảng cách với SHB nhờ mức tăng trưởng tiền gửi 6,6% so với đầu năm…

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng trở lại, dù chưa quá cao, song trước bối cảnh các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản chưa hồi phục rõ nét…) tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng nên tiết kiệm tăng kỷ lục. Số liệu NHNN đưa ra, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 4/2024 đạt hơn 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước đó, tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng và tăng 0,4%, tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Như vậy, số dư tiền gửi tại các TCTD đã chính thức lập kỷ lục mới sau khi tăng trưởng âm so với cuối 2023 trong ba tháng đầu năm nay. Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,7 triệu tỷ đồng, giảm 1,95% hay hơn 133.600 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 3/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cho biết, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 4 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm.

Trước đó, số liệu NHNN đưa ra, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng vẫn giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (giảm khoảng 70.000 tỷ đồng).

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn