Lãi suất tiết kiệm đi xuống, ngân hàng vẫn khó giảm lãi vay

Lãi suất tiết kiệm đi xuống, lãi vay vẫn cao

Kể từ ngày 25/2 đến nay, theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có khoảng 30 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm. Trong đó, có một số nhà băng điều chỉnh giảm lãi nhiều lần như Eximbank (7 lần), Kienlongbank (4 lần)...

Hiện nay, sự phân hóa về lãi suất huy động trên thị trường khá rõ nét. Các ngân hàng tư nhân đang huy động vốn với lãi suất từ 3 - 6%/năm trong khi các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước áp dụng lãi suất tiết kiệm chỉ từ 1,6 - 4,7%/năm. Mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm hiện khá hiếm hoi. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm trên thị trường đã về gần mức đáy hồi đầu năm 2024.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh đi xuống khiến tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sụt giảm.

Báo cáo mới nhất của NHNN cho hay, trong tháng 1, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Như vậy, sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm khá mạnh ngay từ đầu năm, dù các ngân hàng đang nỗ lực huy động vốn để chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng cao năm nay.

Lãi suất tiết kiệm thấp cũng khiến tăng trưởng nguồn vốn huy động của các nhà băng chậm lại. Tăng trưởng huy động vốn hiện thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Cục Thống kê - Bộ Tài chính cho hay, đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng cho vay đang gần gấp đôi so với huy động. Tính tới 25/3, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Huy động tăng chậm hơn cho vay đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Tại một hội thảo hồi cuối tháng 2, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN - cho biết, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% là nhiệm vụ nặng nề với ngành ngân hàng.

Ông Tú cho biết hiện ngành ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Huy động được 9 đồng nhưng ngành ngân hàng cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại là phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ NHNN.

Trong khi lãi suất tiết kiệm có xu hướng đi xuống thì lãi vay vẫn ở mức cao. Khảo sát của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với các doanh nghiệp nhỏ và vừa… mới đây cho thấy mức lãi suất vay có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng và loại hình vay.

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-9,5%/năm, lãi vay trung và dài hạn từ 5-11%/năm. Không ít doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được nguồn vốn vay hay vẫn đang phải chịu lãi suất cao dù có các gói hỗ trợ được công bố, hoặc bị từ chối do tài sản bảo đảm không đáp ứng yêu cầu.

Các doanh nghiệp đề xuất hạ lãi suất vay ngắn hạn về mức 4 - 6%/năm, vay trung và dài hạn về mức 5 - 8%/năm. Đồng thời, cần ổn định chính sách lãi suất trong dài hạn, tối thiểu từ 3 - 5 năm, để doanh nghiệp có thể chủ động trong lập kế hoạch tài chính.

Giảm lãi suất cho vay : Thế khó của ngân hàn

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức trên 16%, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp là mục tiêu quan trọng mà NHNN hướng tới. Do vậy, từ đầu năm nay, các ngân hàng thương mại được yêu cầu kiểm soát lãi suất huy động đầu vào nhằm giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, khi lãi suất huy động liên tục đi xuống thì người dân sẽ không chuộng gửi tiết kiệm do có các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Như vậy, ngân hàng sẽ gặp khó trong huy động vốn và sẽ khó khăn khi muốn giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Thêm nữa, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất cho vay đang dần thu hẹp trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nguồn cung ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng do kim ngạch xuất khẩu suy giảm.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng năm 2025, rất cần ngành ngân hàng cho vay với lãi suất thấp. Đây là áp lực lớn khi lãi suất cho vay phải giảm tiếp để hỗ trợ nền kinh tế trong khi lãi suất huy động khó có thể giảm thêm. Nếu giải quyết vấn đề không khéo, sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định mục đích giảm lãi suất huy động của các ngân hàng nhằm giảm lãi cho vay khá rõ. Nhưng bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước hiện nay thì không dễ để điều chỉnh lãi suất vay đi xuống.

Theo ông Hiếu, thông thường, lãi suất tiết kiệm giảm thì lãi suất cho vay sẽ hạ sau một thời gian nhất định. Song với căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và các nước, mức độ rủi ro được đánh giá tăng cao thì việc giảm lãi vay là điều khó thực hiện vì ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro.

Ông Hiếu cũng nhìn nhận giảm lãi suất huy động trong bối cảnh giá vàng mạnh, thị trường bất động sản giao dịch trở lại thì việc huy động vốn không hề dễ. Thế nên, lãi suất tăng hay giảm trong thời gian tới phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng thừa nhận thế khó của các nhà băng khi huy động vốn chậm hơn sẽ gây áp lực lên lãi suất.

Ông Huân đánh giá lãi suất tăng hay không còn tùy vào sự điều tiết của NHNN có tiếp tục bơm thanh khoản qua thị trường mở và lãi suất liên ngân hàng có giữ được mức ổn định quanh 4 - 5%/năm như hiện nay hay không.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, khi áp lực tỷ giá chưa bị ảnh hưởng tiêu cực bởi vấn đề thuế quan, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại.

Các chuyên gia kiến nghị, để hỗ trợ tăng trưởng đạt mục tiêu đặt ra, bên cạnh chính sách lãi suất cần phải triển khai các giải pháp chính sách khác. Bởi dư địa giảm lãi suất còn hạn hẹp, nếu điều chỉnh giảm sâu lãi suất, tiền gửi tìm đến kênh đầu tư khác có sinh lời cao hơn, vốn hỗ trợ cho tăng trưởng chắc chắn bị ảnh hưởng.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn