Lãi suất tiết kiệm sẽ đảo chiều vào nửa cuối năm?
Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi rục rịch tăng
Sau đúng 1 năm chỉ giảm mà gần như không tăng, đưa lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục, thời gian gần đây, một số nhà băng đã bắt đầu tăng lãi tiết kiệm trở lại ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Tính từ đầu tháng 4, đã có một số ngân hàng tiến hành tăng lãi suất huy động là Eximbank, và MSB.
Thời gian gần đây, một số nhà băng đã bắt đầu tăng lãi tiết kiệm trở lại ở cả kỳ hạn ngắn và dài. |
Trước những động tháo này, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc.
Từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất, tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy, tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý đầu năm, và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, sau đó tăng dần trong các quý còn lại của năm. Vì thế, lãnh đạo UOB cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.
Tuy nhiên, UOB cho rằng, NHNN đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.
Nhưng với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn. Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cũng đưa ra nhận định, những diễn biến gần đây, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại ở một số Ngân hàng Thương mại, do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có tín hiệu cạn.
Tuy nhiên, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước có thể vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hàng cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Còn về phía lãi suất cho vay, theo ông Vũ, thời gian tới cũng sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các Ngân hàng Thương mại cũng sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.
VNĐ có khả năng tăng giá trở lại
Ngoài ra, ông Quang cũng nhấn mạnh các báo cáo gần đây của UOB cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đặc biệt chỉ số việc làm mới và tăng lương, đi kèm mức lạm phát dai dẳng tiếp tục là câu hỏi về thời điểm rõ ràng khi nào Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Các báo cáo gần đây của UOB cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc |
Thị trường vẫn kỳ vọng mạnh mẽ Fed sẽ cắt giảm lãi suất hai đến 3 lần trong năm 2024. Nhưng rõ ràng là lãi suất USD sẽ tiếp tục ở mức cao kéo dài hơn, đủ để cơ quan quản lý có đủ thời gian đưa mức lạm phát trở lại quỹ đạo dưới 2% hàng năm. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn đang ở mức rất cao quanh 4,5% cho thấy các nhà đầu tư vẫn nhận định lãi suất USD sẽ không giảm quá nhanh trong ngắn và trung hạn.
Với lãi suất USD neo ở mức cao như thế sẽ gây áp lực lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á vốn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động ngoại thương với Mỹ cũng như thu hút vốn đầu tư từ Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thực tế, đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, sẽ thấy mức giảm giá khoảng 3% từ đầu năm 2024 đến nay của VNĐ nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình.
Báo cáo của UOB cho thấy VNĐ, và cả các đồng tiền khác, có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VNĐ sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại. "Chúng tôi cũng kỳ vọng phục hồi kinh tế trong nước sẽ mạnh mẽ hơn, đặc biệt từ lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bán lẻ, sẽ hỗ trợ lãi suất VNĐ tiếp cận mức hợp lý hơn so với tổng thể tăng trưởng, lạm phát tại một thị trường đang phát triển như Việt Nam", ông Quang nhấn mạnh.
Trên thị trường mở, một lượng tiền lớn bắt đầu được bơm trả lại hệ thống ngân hàng. Ngày 11/3 trở đi, Ngân hàng Nhà nước hút về một lượng tiền lớn, mỗi phiên đầu lên đến gần 15.000 tỷ đồng thông qua tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Những ngày này, lượng tín phiếu đến ngày đáo hạn nên Ngân hàng Nhà nước bơm trả lại hệ thống.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn