Lãi suất tốt, doanh nghiệp được "o bế"
Thủ tướng vừa có Công điện số 122/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024. Trong đó, tập trung nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Khó có cuộc đua tăng lãi suất huy động
Ngay sau công điện của Thủ tướng, NHNN đã có Công văn số 9774 yêu cầu các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai các biện pháp nhằm ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay...
Trên thị trường, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, xu hướng tăng lãi suất huy động tiếp tục tăng trong tháng 11-2024, nhưng mức tăng không nhiều.
NH Đông Nam Á (SeABank) là cái tên mới nhất điều chỉnh biểu lãi suất huy động, tăng khá mạnh ở một số kỳ hạn. Khách gửi kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất 3,4%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng lãi suất 4,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,45% cho kỳ hạn từ 18 tháng.
Hiện lãi suất huy động trên 6%/năm cũng xuất hiện tại nhiều NH thương mại.
Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng Phòng Phân tích, Công ty Giải pháp dữ liệu WiGroup, lý giải do cuối năm, doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng cao, buộc các NH phải cạnh tranh hút vốn bằng cách tăng lãi suất tiền gửi.
"Đây không phải hiện tượng riêng của năm nay mà đã được quan sát trong các năm trước. Điều này cho thấy tính mùa vụ. Dù vậy, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp và đợt điều chỉnh này không kéo dài, không gây đảo chiều xu hướng của lãi suất" - ông Nguyên nhận định.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua đã được đưa về mức 4,5%-5%/năm là hợp lý, như một kênh đầu tư an toàn và vẫn có lãi suất thực dương khi so với lạm phát. Gần đây, lãi suất đầu vào tăng chủ yếu tập trung vào một số NH quy mô vừa và nhỏ, có thể nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn riêng chứ không phải bức tranh chung cả thị trường.
"Do đó, khó có cuộc đua tăng lãi suất đầu vào, nhất là sau khi Chính phủ và NHNN chấn chỉnh, yêu cầu các tổ chức tín dụng có giải pháp giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Cần bơm ra thị trường 670.000 tỉ đồng
Thống kê từ NHNN cho thấy dư nợ tín dụng toàn hệ thống vào cuối tháng 9-2024 đạt 14,7 triệu tỉ đồng, vượt xa mức tổng huy động vốn 14,5 triệu tỉ đồng. Diễn biến này gây áp lực thanh khoản buộc các NH lớn cũng phải điều chỉnh chính sách lãi suất để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của nền kinh tế.
Tính đến hết tháng 10-2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH đối với nền kinh tế là hơn 10,08%. Nếu tính theo tổng dư nợ tín dụng tới hết tháng 8-2024 là hơn 14,561 triệu tỉ đồng. Để đạt mức tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, trong 2 tháng cuối năm, cần bơm ra thị trường xấp xỉ 670.000 tỉ đồng.
Trong bối cảnh hạn mức cho vay còn dư địa rất lớn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng với tổng quy mô lên tới hơn 19.000 tỉ đồng.
Cụ thể, BIDV dành 3.000 tỉ đồng và 50 triệu USD để cung cấp vốn ưu đãi trọn gói cho các DN dệt may có dự án đầu tư mới/dự án cải tạo nâng cấp công trình, nhà xưởng, máy móc thiết bị hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc các phương án thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đáp ứng các tiêu chí xanh của các thị trường (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...).
Riêng các DN đầu tư dự án nước sạch, BIDV dành 5.000 tỉ đồng cho vay, đồng thời cam kết giảm thêm lãi suất lên đến 1,5 điểm % so với mức sàn lãi suất cho vay của ngân hàng này.
Lãi suất cho vay sẽ cạnh tranh
Theo một lãnh đạo NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), từ đầu tháng 11-2024 đến nay, nhờ các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ nên các DN tham gia thực hiện các dự án này tăng nhu cầu vay vốn và gần như không quan tâm đến chi phí vay vốn vì lãi suất cho vay gần như đã chạm đáy.
Tuy vậy, các NH vẫn có thể giảm thêm lãi suất đối với những DN kinh doanh hiệu quả. Bởi hiện nay, do chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng nên NH nào cũng muốn tăng mạnh dư nợ cho vay, dẫn đến cạnh tranh gay gắt.
Nhìn nhận điều này, TS Đinh Thế Hiển cho biết lãi suất cho vay đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các NH trong việc tìm khách hàng, nhất là khách hàng tốt. Vì vậy, sẽ khó có việc đồng loạt tăng lãi suất lên cao dịp cuối năm.
"Rất nhiều DN đang có sức khỏe tốt, làm ăn ổn định, vay lãi suất chỉ 7%/năm và ngược lại, những DN làm ăn chưa tốt tiếp cận tín dụng lãi sẽ cao hơn nhiều. Đây là bài toán cạnh tranh đòi hỏi cả người đi vay cũng cần phải đáp ứng đủ điều kiện, chứ không chỉ là sức ép một chiều giảm lãi suất từ phía NH" - TS Hiển phân tích.
Giám đốc một công ty kinh doanh nông sản ở ĐBSCL thông tin chưa bao giờ lãi suất cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản lại thấp như hiện tại nhưng DN ông vẫn cân nhắc việc có vay hay không vì sợ không hiệu quả, thà "nằm im" để bảo toàn vốn. Ông cho hay DN mình có lịch sử tín dụng tốt nên vay VNĐ ngắn hạn chỉ có mức lãi suất 2,7%/năm, vay USD là 3,2%/năm. "Chưa bao giờ chúng tôi lại được ngân hàng o bế như hiện nay để họ đạt chỉ tiêu tín dụng cuối năm như hiện tại. Những DN than khó vay có thể do không có tài sản thế chấp hoặc khoản vay rủi ro" - giám đốc công ty này nói.
Ngân hàng đang có lãi
Hiện nay, tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất tiền gửi bình quân là 3,64%/năm cộng với các chi phí liên quan dẫn đến chi phí huy động vốn bình quân lên tới 5,12%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân là 6,8%/năm. Từ đó, chênh lệch bình quân giữa chi phí huy động vốn và lãi suất cho vay khá thấp -1,68%/năm.
Tượng tự, tại NH TMCP Á Châu (ACB) lãi suất cho vay bình quân là 6,67%/năm, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân 2,56%/năm, tính ra lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 4,11%/năm.
Một lãnh đạo cấp cao của VietinBank cho biết ngoại trừ Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước, các NH thương mại còn lại có mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí huy động vốn từ 2% trở lên là đã có lời.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP HCM):
Cần gia hạn khoản vay, giảm thêm lãi suất
HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc đang vay thương mại với lãi suất 10% và thế chấp bằng tài sản của các xã viên. Hiện HTX có nhu cầu xây dựng thêm khu vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhưng không vay được vốn bởi không còn tài sản để thế chấp. Do đó, hiện HTX chỉ có thể "tồn tại" chứ không phát triển được.
Dù HTX có được vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân TP HCM nhưng khoản vay ít, chưa đủ cho nhu cầu.
Sau dịch COVID-19, các HTX tại TP HCM rất khó khăn và rất mong được kéo dài thời gian hỗ trợ để phục hồi, ví dụ như gia hạn khoản vay, giảm lãi suất.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên:
Luôn cần thêm vốn
Quý IV là thời điểm DN có nhu cầu mua hàng hóa; bên cạnh đó là những khoản chi lương thưởng và nhiều khoản phải tất toán. Vì vậy, hầu hết DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN tư nhân... có nhu cầu bổ sung vốn.
Gần đây, nhiều NH chủ động giảm lãi suất và có những gói hỗ trợ lãi suất tốt cho DN, dù vẫn rất thận trọng trong việc cho vay. Lãi suất chung cho các khoản vay lưu động là 6%-8%, so với trước đây là đã có sự điều chỉnh giảm lãi suất. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế hiện nay còn chậm, DN khó đoán được sức mua của thị trường nên tâm lý chung là chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất ở mức độ cao mà chỉ ở mức độ an toàn. DN có tâm lý sợ hàng tồn kho, vòng quay của dòng tiền không đủ để trả nợ NH.
Ngọc Ánh - Thanh Nhânghi
Xem thêm tại cafef.vn