24 năm xây dựng và phát triển
So sánh với các thị trường trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia…, dù thời gian hình thành và phát triển chỉ bằng 1/4 nhưng TTCK Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, vươn tới quy mô thị trường khá lớn trong khu vực.
Với chỉ 2 cổ phiếu ban đầu, đến nay đã có khoảng 1.800 cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch với mức vốn hóa thị trường lên tới gần 70% GDP (300 tỷ USD), đứng thứ 34 hoặc 35 về tỷ lệ mức vốn hóa lớn nhất trên thế giới.
Không chỉ thế, thị trường rất sôi động, mức thanh khoản trong năm 2024 khoảng 1 tỷ USD/phiên, đó là chưa tính đến khối lượng trên thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, nếu chỉ tính theo tính thanh khoản, TTCK Việt Nam có thể tự tin là một trong những thị trường sôi động nhất tại Đông Nam Á.
Trong 24 năm qua, TTCK đã tạo ra giá trị rất lớn đối với nền kinh tế. Đầu tiên, có thể nói về công tác cổ phần hóa. Sự ra đời của TTCK đã thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp (DN) nhà nước.
Nếu nhìn trên thị trường, trong khoảng 1.800 DN đang niêm yết và đăng ký giao dịch, có đến gần một nửa là các DN có nguồn gốc cổ phần hóa. Rất nhiều DN nhà nước mở rộng sản xuất - kinh doanh và đem lại rất nhiều giá trị cho nhà đầu tư và Nhà nước.
Ngoài ra, đối với các DN tư nhân, nếu không có TTCK, chỉ với năng lực nội tại và nguồn vốn ngân hàng thì chúng ta khó có các tập đoàn lớn hiện nay đang niêm yết và khó có thể có những tập đoàn đứng trong Top 500 DN lớn nhất Đông Nam Á.
Ý nghĩa lớn hơn là có TTCK thì mới lan tỏa tinh thần kinh doanh công bằng và minh bạch. Hiện nay, với sự khuyến khích của chính sách, TTCK đang tác động đến hoạt động kinh doanh của các DN theo hướng có trách nhiệm hơn với cả xã hội và môi trường thông qua thực hành theo nguyên tắc ESG (môi trường - xã hội - quản trị), ngày càng đóng góp tốt hơn cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Về mục tiêu phát triển TTCK tới năm 2030, đã có một số tiêu chí gần đạt được, như tiêu chí về tỷ lệ vốn hóa/GDP, tổng số lượng nhà đầu tư/tổng dân số… Nếu tính về con số tỷ lệ vốn hóa/GDP, TTCK Việt Nam đang giảm so với năm 2020 - 2021, nhưng nếu tính về mức độ tuyệt đối, mức vốn hóa thị trường đang tăng rất mạnh, lên khoảng 300 tỷ USD; số lượng nhà đầu tư lên tới 8 triệu người và gần đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK.
Khi xây dựng Chiến lược phát triển TTCK, chúng tôi đặt ra mục tiêu khá tham vọng và không dễ đạt được. Trong đó, có nhiều tiềm năng chúng ta có thể thực hiện, nhưng không dễ đạt được nếu không có sự cố gắng từ cơ quan quản lý, các thành viên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, với nền tảng vững chắc của kinh tế và chính sách, chúng ta có thể đạt được mục tiêu phát triển TTCK.
Khuyến khích nhiều Doanh nghiệp niêm yết
Trong quá trình phát triển 24 năm của TTCK Việt Nam, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK có định hướng rất rõ ràng, đó là hạn chế tối đa can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính. Do vậy, sẽ không có chuyện dùng biện pháp hành chính để ép DN niêm yết hoặc từ bỏ thị trường. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nhiều DN lớn và nâng hạng thị trường là mối quan hệ hữu cơ.
Nhiều DN lớn chưa niêm yết vì không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải quá khi họ chưa nhìn thấy số lượng nhà đầu tư có thể mua được phần vốn lớn của họ. Do đó, việc hỗ trợ, thúc đẩy các DN lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp UBCK cố gắng để nâng hạng thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn vào thị trường khi họ nhìn thấy có nhiều DN lớn.
Về mặt kỹ thuật, có một câu chuyện liên quan đến việc IPO và niêm yết. Hiện nay, quá trình IPO và niêm yết đang là 2 quá trình tách biệt.
Do vậy, có thể thời gian từ khi DN IPO đến khi lên sàn còn một khoảng cách khá xa, tạo ra rào cản với các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Thậm chí, một số quỹ còn cấm giao dịch với các cổ phiếu chưa được niêm yết.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. |
Để giải quyết việc này, UBCK đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và Nghị định 55/2020 để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành một. Sau khi sửa đổi các quy trình này, DN sẽ được niêm yết ngay và thực chất sau khi IPO.
Về việc một số DN khá lớn đang đăng ký giao dịch trên UPCoM mà chưa chuyển lên niêm yết, điều này một phần là do ý chí của bản thân DN, một phần là do các DN này chưa đáp ứng được tiêu chuẩn niêm yết.
Có những DN có quy mô kinh doanh rất lớn và tình hình sản xuất tốt vẫn chưa niêm yết được có thể là do yếu tố kỹ thuật, như báo cáo tài chính có những khoản ngoại trừ, có thể là rất nhỏ, song nếu chưa giải quyết được thì sẽ rất khó khăn để được niêm yết.
Chẳng hạn với trường hợp Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), DN đang có vướng mắc về mặt kỹ thuật. Hiện BSR đang rất tích cực và vấn đề vướng mắc này sẽ được xử lý trong thời gian tới.
Đề án tái cấu trúc TTCK đang được triển khai thực hiện, trong đó UBCK đang có những bước đi để phân chia lại các mảng thị trường HOSE, HNX, UPCoM và sắp xếp lại DN vào các mảng phù hợp.
Tất nhiên, câu chuyện sắp xếp lại DN vào các mảng thị trường vẫn được Bộ Tài chính và UBCK thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện của DN và mức độ phù hợp của DN, chứ không mang tính chất bắt buộc về mặt hành chính. Do đó, cho dù có sắp xếp như thế nào, thì cũng sẽ đảm bảo tính ổn định của tất cả các mảng thị trường.
Hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường
Việc TTCK nâng hạng vào năm 2025 là mục tiêu được Chính phủ chỉ đạo, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp trong phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của mình để giải quyết nút thắt gây cản trở cho việc nâng hạng.
Về phía Bộ Tài chính, công tác chuẩn bị không hề trầm lắng mà diễn ra vô cùng sôi động. Hiện nay, UBCK cùng các thành viên thị trường và các ngân hàng lưu ký đang tích cực xây dựng các giải pháp, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, công nghệ, tài chính… để chuẩn bị cho việc thị trường nâng hạng, cũng như các giải pháp để nâng hạng.
Đến thời điểm hiện tại, tựu trung lại, giải pháp để vượt qua nút thắt lớn nhất là câu chuyện về pre-funding (ký quỹ trước khi giao dịch) đã được Bộ Tài chính thực hiện thông qua hoàn thành dự thảo bằng việc sửa 4 thông tư. Dự thảo của các thông tư này đã được lấy ý kiến của toàn bộ thành viên thị trường, các đối tượng chịu tác động, thậm chí cả Ngân hàng Thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài…
Ngày 19/7/2024, chúng tôi đã hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng và đăng trên website của UBCK bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để nhà đầu tư và các thành viên thị trường có thể thấy được. Nếu có thêm ý kiến đóng góp, bản dự thảo này sẽ có chỉnh sửa trước khi UBCK trình ký ban hành.
Đối với câu chuyện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, trong bản dự thảo thông tư mới đăng tải, đã có những quy định mang tính chất bắt buộc và có lộ trình.
Theo đó, các công ty niêm yết sẽ phải công bố thông tin đồng thời bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài thông tin định kỳ và bất thường ra, thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ được đăng song ngữ công khai trên các nền tảng thông tin đại chúng.
Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... cũng đang tích cực triển các giải pháp có liên quan đến vấn đề nâng hạng thị trường như tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp và rà soát lại việc công bố đầy đủ danh mục tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các ngành nghề theo hướng công khai.
Trong quá trình tiến hành các giải pháp, UBCK luôn trao đổi trực tiếp với nhà đầu tư và tổ chức quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận được đánh giá tích cực của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Phần lớn các giải pháp chính đều đã nhận được sự đồng thuận. Còn những vấn đề đang được trao đổi hầu như liên quan đến tính kỹ thuật, liên quan đến mối quan hệ giữa nhà đầu tư, công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký.