Lãnh đạo ABBank lý giải vì sao chưa hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và không chia cổ tức

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, cuối năm 2023, ABBank đạt tổng tài sản 161.977 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2022, tương đương với 118,4% kế hoạch năm 2023; Huy động từ khách hàng đạt 115.654 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm 2022; Tổng dư nợ đạt 102.448 tỷ đồng, tăng 15,7%. Trong năm 2023, ABBank cũng đã thực hiện tăng vốn thành công, nâng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.350 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của ngân hàng đạt 513 tỷ đồng, giảm 69,6% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,17%, đảm bảo dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2023 sụt giảm do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao. Ngoài ra, trong năm qua, ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động...

-8563-1712300611.jpg

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông của ABBank.

Chia sẻ thêm tại Đại hội, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT bày tỏ: "HĐQT xin nhận trách nhiệm trước cổ đông về lợi nhuận trước thuế năm 2023 chưa đạt kế hoạch theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ giao, một phần cũng do công tác dự báo, lập kế hoạch chưa sát thực tế".

Điểm sáng là tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập đạt 20,4%, tăng 12,3% so với năm 2022. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,07%, cao hơn so với yêu cầu của NHNN là tối thiểu 8%.

Vừa qua, ABBank đã hợp tác với Tổ chức tư vấn chuyển đổi có uy tín là McKinsey để thiết kế và triển khai lộ trình phát triển 5 năm 2024 – 2028 với kỳ vọng đưa ngân hàng bứt phá trở lại trong nhóm ngân hàng đạt chất lượng dịch vụ, hoạt động an toàn và tăng trưởng tốt trong tương lai.

Về kế hoạch kinh doanh, ABBank trình cổ đông mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của NHNN.

Bộ chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 được xây dựng căn cứ trên kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2024 – 2028 với mục tiêu cụ thể cuối năm 2028 sẽ đạt tổng tài sản 420.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.200 – 10.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường 57.000 – 68.000 tỷ đồng.

ABBank đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của ngân hàng trong năm 2023 là 298,7 tỷ đồng. Theo đó, cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 1.840,7 tỷ đồng.

Tại phần thảo luận, cổ đông muốn ngân hàng chia cổ tức, chia phần lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Đào Mạnh Kháng cho rằng, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có thể coi là năm ghi nhận lợi nhuận trũng nhất, và thừa nhận cạnh tranh của ngân hàng còn thấp, sản phẩm không cạnh tranh, năng lực còn yếu, tỷ lệ CASA trong nhóm thấp của hệ thống. Vì vậy, HĐQT ngân hàng phân tích những điểm yếu để hoàn thiện về quy trình, tín dụng phục vụ khách hàng.

“Đây là quyết định dũng cảm, chúng tôi sẵn sàng thay đổi, hoàn thiện về con người để có thành tích tốt hơn. Ngân hàng sẽ dành nguồn lực để đầu tư cho công nghệ nền tảng, đào tạo, xây dựng hệ thống con người…, điều này đòi hỏi có thời gian. Vì vậy mong cổ đông kiên nhẫn để gặt hái được quả ngọt”, ông Kháng nói.

Về câu hỏi liên quan đến mục tiêu lợi nhuận năm 2024 là 1.000 tỷ đồng/170 nghìn tỷ tổng tài sản có quá khiêm tốn không? Theo ông Kháng, kể cả các thành viên HĐQT cũng thắc mắc tại sao mục tiêu lợi nhuận lại thấp thế. Tuy nhiên, ông cho rằng mục tiêu này cũng phải căn cứ vào kết quả năm ngoái và xử lý những tồn tại.

"Năm 2023 là năm NIM giảm khủng khiếp. Những ngân hàng lớn có lợi thế lớn vì CASA của họ cao. Còn ABBank bị áp lực chi phí vốn quá cao, tỷ lệ CASA rất thấp. Nợ xấu phát sinh nữa càng khiến cho NIM càng thấp. Đến quý III, khi nợ xấu chững lại, chúng tôi mới kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ đạt 1.000 tỷ đồng.

Về nợ xấu, từ trước đến nay, chúng ta vẫn cho vay có tài sản đảm bảo, không sai nhưng kể cả có tài sản đảm bảo thì thu hồi tài sản cũng không dễ", Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng nói.

Chia sẻ thêm, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc cho hay: "Thực tế ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ, nhưng chúng ta cũng dự kiến dự phòng rủi ro năm nay vẫn cao lên đến 1.400 tỷ. Như vậy, chúng ta phải kiếm được khoảng 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng và đó là con số thách thức. ABBank không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, vì trong tình hình khó khăn và nhiều tồn tại mà cứ đua thì có thể phải trả giá. Chúng ta cần làm thế nào để ABBank đi đến lộ trình 2028 một cách lành mạnh".

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn