Lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị gì với Thủ tướng?
Phát biểu tại Hội nghị "Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô" do Thủ tướng chủ trì ngày 14/3/2024, tại Hà Nội, hầu hết lãnh đạo ngân hàng thương mại đều cho rằng chính sách tài khoá phải phát huy tối đa hiệu lực để kích cầu nội địa, từ đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng, giải toả tình thế "tiền ế" trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
MỖI NGÀY TRẢ LÃI TRĂM TỶ, NGÂN HÀNG ĐÔN ĐÁO TÌM KHÁCH VAY
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV, nói: “Với quy mô huy động hiện nay thì mỗi ngày ngân hàng phải trả lãi cho người gửi tiền 300 tỷ đồng. Bởi vậy, chúng tôi phải tìm mọi cách có thể để cho vay nhằm cân đối chi phí hoạt động”.
Theo ông Tú, ngay từ đầu năm 2024, BIDV đã đưa ra 7 gói tín dụng cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, quy mô hơn 510 ngàn tỷ đồng. Trên 70 ngày qua, BIDV giải ngân hơn 470 ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dư nợ vẫn sụt giảm so với cuối năm 2023 là 1,1% nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái 13%.
“Chúng tôi không quá quan ngại chuyện tín dụng tăng trưởng thấp trong 2 tháng đầu năm vì nó phù hợp với diễn biến thị trường. Với các giải pháp quyết liệt từ Chính phủ thì tăng trưởng tín dụng 15% năm nay là hoàn toàn khả thi”,
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV
Để kích cầu tín dụng, ông Tú cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Đồng thời, tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho các dự án, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ, đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng tiền nằm trong ngân hàng tới hàng chục ngàn tỷ mà không cho vay được, trong khi vẫn phải chi phí huy động, chi phí hoạt độn là áp lực với ngân hàng.
Theo ông Vinh, giảm lãi suất cho vay chỉ là một phần. Quan trọng hơn hết, Chính phủ cần có thêm các chính sách tài khoá để kích cầu nội địa thì vốn tín dụng mới chảy vào nền kinh tế được.
“Chính phủ đã rất quyết liệt trong đẩy mạnh đầu tư công, xúc tiến thương mại song phương/đa phương nhưng kích cầu nội địa chưa nhiều. Cần có hẳn một chương trình quốc gia về vấn đề này”, ông Vinh nói.
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, Tổng giám đốc VPBank thẳng thắn cho rằng chương trình đó không hiệu quả vì tất cả các bên đều lo ngại về vấn đề thủ tục.
Ông Vinh kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí cụ thể: ngành nào, lĩnh vực nào được ưu tiên hỗ trợ lãi suất? Nếu đạt được tiêu chí thì hoàn thiện hồ sơ và Bộ Tài chính giải ngân, hỗ trợ thẳng vào tài khoản doanh nghiệp. Ngân hàng đỡ phải giải ngân, đỡ phải thanh, kiểm tra.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng được lãnh đạo VPBank chỉ ra là nợ xấu. Tổng giám đốc VPBank cho rằng xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm hiện nay rất khó khăn, khiến mặt bằng chi phí của ngân hàng tăng lên nên ngần ngại giải ngân do lo sợ rủi ro.
“Cần coi trọng vấn đề xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản bảo đảm. Giờ có tài sản bảo đảm cũng mất 2-3 năm mới xử lý được làm tăng chi phí của ngân hàng”, ông Vinh nói và kiến nghị xem xét có luật riêng về xử lý nợ xấu.
Bên cạnh những kiến nghị nêu trên, Chủ tịch Agribank, ông Phạm Đức Ấn, đề xuất Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo các bộ/ngành điều hướng sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng gắt gao của các nước nhập khẩu. Giữ được đơn hàng xuất khẩu thì doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn, kinh tế mới tăng trưởng.
Ông Phạm Đức Ấn cũng nhấn mạnh đến khó khăn của khách hàng sẽ tác động đến ngân hàng cho vay nhưng có độ trễ. Điều này thể hiện qua việc tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã lên tới 4,55% cuối năm 2023, tăng gấp đôi năm 2022.
“Nếu không tiếp tục được cơ cấu nợ thì áp lực nợ xấu thời gian tới sẽ rất lớn. Do đó, chúng tôi đề xuất cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu nợ cho khách hàng dựa trên đánh giá dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp”, ông Ấn nói.
NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐI VAY, SỬA ĐỔI LUẬT PHÁ SẢN
Quan ngại về tình trạng nợ xấu của hệ thống, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ/ngành liên quan rà soát Bộ luật Dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu để sửa đổi Luật Phá sản theo hướng cho phá sản đối với doanh nghiệp yếu kém, không còn khả năng phục hồi để giảm gánh nặng cho nền kinh tế.
"Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung lãi suất hợp lý, cho vay theo các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất nhập khẩu, các gói nhà ở xã hội, lâm, thủy sản 3000 tỷ, xăng dầu 20.000 tỷ, cho người lao động vay tiêu dùng theo hợp tác của Tổng Liên đoàn lao động với Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Phó Chủ tịch VNBA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với ngành ngân hàng xử lý tội phạm trên không gian mạng, hội nhóm bùng nợ, khách hàng cố tình chây ì không trả nợ, tiếp tục triệt phá ổ nhóm tín dụng "đen".
Với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với nợ gốc phát sinh từ năm 2023, kéo dài đến 31/12/2024 thay vì 30/6/2024.
Ngoài ra, ông Hùng cũng đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng có vốn nhà nước tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại để giúp các tổ chức tín dụng tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Ngoài ra, cũng theo ông Hùng, Chính phủ cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với cộng đồng này.
Xem thêm tại vneconomy.vn