Lãnh đạo hãng bay kêu khó, sắp kiểm tra chuyện giá vé máy bay, Vietnam Airlines và Vietjet vẫn đưa cổ đông 'bay cao' khi cổ phiếu tăng sốc
"Năm 2024 sẽ năm khó khăn cho các hãng hàng không Việt" - Ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Vietjet nhận định trong cuộc họp Đại hội cổ đông mới đây. Theo CEO Vietjet, khó khăn lớn nhất chính là việc các hãng hàng không tại Việt Nam phải trả lại máy bay, làm năng lực vận chuyển giảm.
Nhà sản xuất động cơ Prad Whitney đã tiến hành triệu tập nhiều tàu bay để có thể bảo dưỡng khiến đội tàu bay của cã hãng trong nước sụt giảm số lượng. Ngoài ra, một số công ty phải trả tàu bay để tái cơ cấu nợ.
Trong bối cảnh được hỗ trợ bởi quyết định nâng trần giá vé máy bay, các hãng hàng không đồng thời đối mặt với việc Bộ Giao thông Vận tải hôm 3/5 đã yêu cầu Vụ Vận tải và Cục Hàng không rà soát, kiểm tra việc giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.
" Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có). Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định " , Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, yêu cầu Vụ Vận tải tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới.
Tuy nhiên, bất chấp dự báo của lãnh đạo trong ngành về khó khăn của hàng không, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và VJC của Viejet vẫn tăng kịch trần trong phiên giao dịch ngày 6/5, cùng đà thăng hoa tăng hơn 20 điểm của VNIndex.
Cổ phiếu HVN đã chứng kiến phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, đạt mức giá 19.570 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đã đạt được trong vòng 2 năm qua. Từ đầu năm đến nay, thị giá của HVN cũng đã tăng 62%.
Còn cổ phiếu VJC cũng không chịu kém cạnh khi tăng trần lên mức 113.100 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm của cổ phiếu này.
Cổ phiếu HVN và VJC có nhiều khởi sắc trong thời gian gần đây trong bối cảnh hai hãng không đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1/2024.
Đầu tiên với 'ông lớn' Vietnam Airlines , hãng bay công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.
Nhờ lợi nhuận khác 3.672 tỷ đồng từ việc được xóa nợ, Vietnam Airlines lãi ròng 4.334 tỷ đồng trong quý vừa qua, trong khi cùng kỳ lỗ 104 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.
Viejet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023. Hãng bay này đã tăng trưởng hơn 53% và 61% về số lượng chuyến bay và lượt khách so với cùng kỳ 2023.
Vietravel Airlines - hãng hàng không hiện có 3 tàu bay ở Việt Nam cũng lần đầu báo lãi kể từ khi hoạt động trong quý 1/2024. Cụ thể, công ty này đã mang về 491,2 tỷ doanh thu, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng đạt 10,1 tỷ đồng.
Việc giá vé máy bay tăng cao được nhiều người cho là nguyên nhân giúp các hãng bay lãi lớn trong quý vừa qua.
Tuy nhiên, các hãng hàng không đều đưa ra giải trình rằng kết quả kinh doanh quý vừa rồi tăng cao là nhờ vào việc lượng khách quốc tế phục hồi mạnh, nhiều đường bay mới được mở. Ngoài ra, việc một số hãng như Bamboo Airways, Pacific Airlines trả nhiều tàu bay cũng giúp thị phần của các công ty khác tăng lên.
Xem thêm tại cafef.vn