Lãnh đạo ngân hàng nói gì về tác động của thuế quan Mỹ trong năm 2025?

Chính sách thuế quan mới của Mỹ đang dần để lại những tác động rõ rệt tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Khi mùa Đại hội đồng cổ đông 2025 bước vào cao điểm, câu chuyện về mức độ ảnh hưởng và kịch bản ứng phó của các ngân hàng trở thành mối quan tâm lớn của giới đầu tư.

Bức tranh bước đầu cho thấy tùy thuộc vào cấu trúc khách hàng và danh mục tín dụng, mức độ tác động giữa các nhà băng có sự phân hóa rõ rệt.

Các "ông lớn" quốc doanh chịu tác động rõ rệt

Đại diện các ngân hàng quốc doanh lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank đều nhận định chính sách thuế mới sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên nhóm khách hàng doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mạnh sang Mỹ, qua đó tiềm ẩn rủi ro gián tiếp đối với tăng trưởng tín dụng. 

Tại Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Nguyễn Thanh Tùng cho biết tác động từ thuế quan Mỹ sẽ rõ rệt do ngân hàng đang chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại toàn thị trường. Nhiều khách hàng của Vietcombank là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, gỗ, thuỷ sản, nhựa... – đây đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao.

Ngoài ra, danh mục khách hàng FDI tại Vietcombank lớn so với các ngân hàng khác, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% về doanh số hoạch toán quốc tế tài trợ thương mại. Điều này khiến Vietcombank có lẽ chịu tác động lớn hơn nhiều ngân hàng khác.

Nhằm ứng phó, Vietcombank cho biếtđã chủ động phối hợp với các khách hàng để đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Vietcombank cũng tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý để có định hướng phù hợp theo từng ngành nghề, từng đối tượng khách hàng. 

 ÔngNguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Vietcombank (Ảnh: Vietcombank)

Tại đại hội cổ đông, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đánh giá ảnh hưởng không quá lớn tới ngân hàng. BIDV đã thành lập ban chỉ đạo ứng phó ngay sau thông tin Mỹ áp thuế.

Tổng dư nợ chịu tác động ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ, tập trung ở các ngành thép, nhựa, cơ khí, thủy sản, giày da, may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp.

Chiến tranh thương mại dự báo sẽ tác động đến tín dụng, huy động vốn và chất lượng tài sản, kéo theo lợi nhuận suy giảm. Ngân hàng dự kiến trích lập dự phòng khoảng 21.000 tỷ đồng trong năm 2025, tương đương mức thực hiện năm 2024. Tỷ lệ trích lập trên tổng dư nợ sẽ có xu hướng giảm nhẹ nhờ kỳ vọng tín dụng tăng trưởng 16%.

Theo Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình, VietinBank hiện chưa đưa tác động thuế quan Mỹ vào mô hình kinh doanh 2025 do khó định lượng cụ thể. Tuy nhiên, ngân hàng đã xây dựng các kịch bản bất lợi và phương án ứng phó phù hợp.

Dự báo, tăng trưởng tín dụng 2025 sẽ khó khăn hơn so với 2024 nhưng VietinBank vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Đồng thời, ngân hàng chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công để bù đắp tác động tiêu cực từ thương mại quốc tế.

Ông Bình khẳng định:"Chúng tôi cam kết kết qủa kinh doanh năm 2025 của VietinBank sẽ là rất ấn tượng so với năm 2024".

Các ngân hàng tư nhân chủ động thích ứng

Ngoài với nhóm quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân ghi nhận mức độ ảnh hưởng thấp hơn, nhờ chiến lược tín dụng đa dạng hóa và khẩu vị rủi ro thận trọng từ sớm.

Tại LPBank, Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà cho biết, dù các chính sách thuế quan của Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, LPBank chỉ có 0,3% dư nợ tín dụng liên quan đến các doanh nghiệp chịu tác động.

Ngay từ sớm, ban điều hành LPBank đã tổ chức các cuộc họp đánh giá, thống kê và đưa ra giải pháp đối phó, bao gồm cả việc thành lập công ty quản lý tài sản (AMC).

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của LPBank. (Ảnh: LPBank).

Ông Nguyễn Hưng -Tổng Giám đốc TPBank cũng cho hay ngân hàng có khoảng 10.800 tỷ dư nợ là khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ. Với những khách hàng này thì doanh số xuất nhập khẩu cũng chiếm dưới 20% tổng doanh thu của họ nên mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Ngân hàng cho biết đã tiến hành rà soát kỹ các khoản tín dụng mới, đặc biệt với những doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng dễ chịu tác động như thủy sản sang Mỹ.

Đối với nhóm doanh nghiệp FDI, TPBank chủ yếu cung cấp dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại tệ và các dịch vụ hỗ trợ khác, chứ không tham gia cho vay. Thông thường, các doanh nghiệp FDI sẽ vay vốn tại các ngân hàng nước ngoài như Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), nên rủi ro tín dụng từ nhóm này đối với TPBank gần như không có. 

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chuẩn bị phương án hỗ trợ một số doanh nghiệp tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, nếu cần thiết điều chỉnh sản xuất.

Ngân hàng MSB cũng tỏ ra tương đối lạc quan khi Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ diễn biến khó lường, MSB đã tập trung vào việc quản trị rủi ro. Tổng dư nợ của ngân hàng đạt 191.000 tỷ đồng, trong đó các ngành như gỗ, cá tra, máy ảnh, hóa chất và hạt điều chiếm khoảng 3.900 tỷ đồng, tương đương 9,5% tổng dư nợ.

MSB đã tiến hành rà soát lại năng lực hoạt động của các khách hàng thuộc các ngành này và hiện tại ngân hàng đang kiểm soát tình hình tương đối tốt. Trong kịch bản xấu nhất, tỷ lệ nợ xấu của nhóm này có thể lên đến 2,3%, trong khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng sẽ được giữ ở mức khoảng 1,8%.

 Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank (Ảnh: HDBank)

HDBank cũng ghi nhận mức độ ảnh hưởng thấp, khi dư nợ của khách hàng liên quan trực tiếp tới thị trường Mỹ chỉ dưới 1,5%. Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh chia sẻ HDBank đã triển khai chính sách quản trị rủi ro cân bằng và đa dạng hóa danh mục để đối phó với tác động từ thuế quan. Ngân hàng cũng điều chỉnh các chính sách tài trợ và cấu trúc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.

Với chỉ số CAR đạt 14,85%, HDBank có đủ khả năng chống chịu biến động thị trường. Ngân hàng tự tin vào khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng, đồng thời mở rộng tài trợ cho các dự án và tiêu dùng. HDBank cũng đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng của Chính phủ, cam kết hỗ trợ 20.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp hạ tầng và công nghệ.

Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn như PGBank và OCB, lãnh đạo hai nhà băng đều cho biết đã sớm có phương án thích ứng. PGBank tập trung điều chỉnh chính sách ngoại tệ và thanh toán, đồng thời hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thị trường mới và quản lý rủi ro để giảm thiểu tác động tiêu cực. 

Đối với OCB, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn đánh giá thuế quan Mỹ là yếu tố bất định khó lường. Tuy vậy, OCB xác định năm 2025 là năm hành động quyết liệt để đạt mục tiêu chiến lược 2021 – 2025. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33%, với niềm tin rằng sau ba năm suy giảm, thị trường sẽ hồi phục trong năm nay.

Bàn về động thái áp thuế của Mỹ, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định ngành ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút. Từ đó, tác động đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng.

Dù vậy, các chuyên gia VCBS đánh giá tác động là không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% tổng dư nợ toàn hệ thống hay dư nợ FDI chiếm khoảng 2%. 

Nhận định về việc được hoãn thuế, theo các chuyên gia Chứng khoán Vietcap, thông báo này sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế của Việt Nam, từ đó mang lại ảnh hưởng tích cực cho ngành ngân hàng.

"Khoảng thời gian 90 ngày này sẽ giúp các ngân hàng và khách hàng có thêm thời gian cần thiết để xây dựng chiến lược và chủ động thực hiện các hành động nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và vị thế tài chính trước rủi ro từ thuế quan", báo cáo Vietcap cho hay.

Xem thêm tại vietnambiz.vn