Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp 'trúng số' nhờ ESOP

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã liên tục công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Không chỉ nhằm tăng vốn điều lệ, các doanh nghiệp còn coi đây là công cụ quan trọng để giữ chân nhân viên và khuyến khích tinh thần làm việc, tạo động lực phát triển bền vững.

Một trong những động thái đáng chú ý đến từ CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (Mã CK: MCH). Công ty này vừa thông báo kế hoạch phát hành gần 7,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường hiện tại đang trên mức 206.000 đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc, nhân viên và quản lý cấp cao của Masan Consumer có thể hưởng lợi nhuận lên tới 1.800-2.000% khi cổ phiếu về tài khoản, nếu thị trường vẫn giữ giá ở mức này.

Đặc biệt, ngoài số lượng cổ phiếu tính theo hệ số hoàn thành công việc, những cá nhân xuất sắc vượt mục tiêu sẽ nhận thêm cổ phiếu, trong đó mức thưởng cao nhất lên tới 380.000 cổ phiếu dành cho những người vượt KPI từ 1,3 lần trở lên.

Trước đó, CTCP Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) cũng đã triển khai kế hoạch phát hành 10,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 17.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 54% so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/8. Đặc biệt, số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày phát hành, điều này giúp đảm bảo tính cam kết lâu dài của nhân viên đối với công ty.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp 'trúng số' nhờ ESOP
Ảnh minh họa

Không kém cạnh, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) cũng đã chính thức công bố danh sách 162 nhân sự sẽ tham gia chương trình phát hành cổ phiếu ESOP. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, sẽ được mua 500.000 cổ phiếu, tương đương 10% tổng số lượng phát hành, với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này thấp hơn đáng kể so với giá thị trường hiện tại, khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu.

Nhóm ngành ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc đua khi Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK:TCB) dự kiến phát hành hơn 19,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 45% so với giá đang giao dịch trên thị trường là khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu. Việc phát hành này sẽ giúp vốn điều lệ của Techcombank tăng từ 70.450 tỷ đồng lên 70.649 tỷ đồng.

Tương tự, Nam A Bank (NAB) cũng chuẩn bị phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá thị trường hiện tại của cổ phiếu này đang ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày phát hành và sẽ được giải tỏa 50% trong năm thứ hai.

Việc phát hành cổ phiếu ESOP không chỉ là cách để doanh nghiệp gắn kết trách nhiệm của nhân viên với sự phát triển của công ty mà còn giúp tạo động lực cho người lao động phấn đấu, cống hiến và gắn bó lâu dài.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nếu việc phát hành ESOP chỉ tập trung vào ban lãnh đạo hoặc những người thân cận, khi đó, cổ phiếu ESOP có thể trở thành nguyên nhân gây nên sự xung đột lợi ích, mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo cấp cao và nhân sự công ty, cũng như đối với cổ đông.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn