Lãnh đạo OCB lý giải vì sao lợi nhuận giảm sau kiểm toán
Mục tiêu lợi nhuận 2024 tăng 66%
Sáng ngày 15/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã: OCB) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2024 để thông qua kế hoạch kinh doanh và định hướng mới.
Năm nay, nhà băng đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); từng bước tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản.
Về con số cụ thể, OCB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm tăng 19% lên 286.562 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 17% lên 197.346 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 dự kiến tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB chia sẻ kế hoạch kinh doanh 2024 được đề ra trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng, tính toán nghiêm túc, HĐQT và Ban điều hành tự tin hoàn thành kế hoạch năm nay.
Nhìn lại, từ 2014 đến 2021, ngân hàng luôn nằm trong tốp ROE cao, lợi nhuận vào tốp 10 toàn ngành. Giai đoạn 2022 và 2023, OCB không hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Ông Tuấn cho biết chủ yếu do yếu tố khách quan tác động đến tất cả các ngân hàng, không riêng OCB. Thị trường đã biến đổi rất nhiều kể từ sau dịch bệnh covid-19, kinh tế khó khăn khiến nợ xấu tăng, thị trường bảo hiểm gặp khó làm nguồn thu kênh bảo hiểm giảm, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản đi xuống hay thu ngoài lãi chưa phục hồi…
Chủ tịch OCB kêu gọi cổ đông tin tưởng vào năng lực HĐQT, Ban điều hành. “Chúng tôi nhận thức được và đã phân tích kỹ các nguồn thu, tự tin hoàn thành kế hoạch năm nay”.
Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 4,139 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022. Nguyên nhân đến từ việc ngân hàng chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.
Năm qua là năm đánh dấu bước tiến quan trọng trong hoạt động quản lý rủi ro của OCB. Ngân hàng công bố hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II nâng cao, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế.
Với năm nay, OCB sẽ triển khai các chương trình chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, định vị OCB là “Ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam”. Nhà băng tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số với việc ra mắt thành công ngân hàng số OCB OMNI phiên bản 4.0, thúc đẩy Open Banking và mở rộng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động. Ngân hàng cũng mở rộng quy mô mạng lưới trên toàn quốc với việc khai trương thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch.
Vì sao lợi nhuận giảm sau kiểm toán?
Tại kỳ báo cáo kiểm toán 2023, OCB gây bất ngờ khi lợi nhuận sau thuế ghi nhận giảm 876 tỷ đồng so với báo cáo chưa kiểm toán công bố trước đó. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc nhà băng bày tỏ cũng rất bất ngờ trước quyết định của kiểm toán khi trả lời cổ đông.
Theo ông Tùng, từ trước đến nay, trong quá trình lập báo cáo tài chính, ngân hàng luôn có sự tham vấn cùng đơn vị kiểm toán trước khi công bố. Tương tự như vậy cho năm nay, OCB cũng đã tham vấn kiểm toán khi lập BCTC kết thúc ngày 31/12/2023 công bố vào tháng 1/2024.
Nguyên nhân có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán đến từ nghiệp vụ thu hồi tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ của khách hàng. Trong quá trình thực hiện có một số vấn đề bất cập liên quan đến hướng dẫn của ban ngành, địa phương, ngay cả trong các công ty kiểm toán cũng có quan điểm khác nhau.
Ông Tùng giải thích khi khách hàng vay thường có tài sản đảm bảo. Thực tế, để khách hàng đưa tài sản đảm ra xử lý nợ phải có 2 điều kiện. Đó là tài sản có pháp lý đảm bảo và khách hàng tự nguyện thực hiện. Quy trình thực hiện sẽ có 3 bước gồm khách hàng bàn giao tài sản, bước 2 chuyển giao sở hữu tài sản và bước 3 có thể là thanh lý. Một khi khách hàng giao tài sản thì nghĩa vụ nợ cũng kết thúc, tài sản thuộc về ngân hàng.
Trong quá trình chuyển giao sở hữu, có những địa phương sẵn sàng thực hiện nhưng một số tỉnh thận trọng do nghi ngại Luật Bất động sản, Luật Đất đai… không xúc tiến thủ tục. OCB đã thực hiện quy trình này nhiều năm qua, riêng năm 2023 đơn vị kiểm toán thận trọng hơn nên buộc ngân hàng tăng trích lập dự phòng đối với tài sản chưa hoàn tất chuyển giao sở hữu.
CEO ngân hàng cho biết trong quý I năm nay đã xử lý được phân nửa việc chuyển giao tài sản và đến 30/6 sẽ hoàn tất để hoàn nhập lợi nhuận của ngân hàng.
Kế hoạch tăng vốn lên 24.717 tỷ đồng
Năm nay, OCB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Trong đó, công ty sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.
Số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
Ban lãnh đạo cho biết việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, từ đó mở rộng quy mô, năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch phát triển mạng lưới giao dịch. Ngân hàng tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ, tăng trải nghiệm dịch vụ khách hàng và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh hiệu quả hơn nữa.
Xem thêm tại nhadautu.vn