Lãnh đạo Sao Ta: Giảm Mỹ - tăng Nhật, kỳ vọng thâm nhập vào thị trường Trung Quốc
Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, cổ đông Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex - Mã: FMC) đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 5.187 tỷ và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng; tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm ngoái.
Công ty lên kế hoạch sản lượng tôm chế biến 22.300 tấn, sản lượng nông sản chế biến 1.500 tấn. Lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sản lượng tôm tiêu thụ 19.000 tấn và tiêu thụ nông sản là 1.400 tấn.
Tại đại hội, lãnh đạo công ty dự báo mức cung tôm toàn cầu khả năng tăng 4% so với năm 2023 sẽ làm giá bán giảm, cộng thêm tình hình khó khăn chung của thị trường nên Sao Ta đặt kế hoạch 2024 thận trọng.
Với xu thế lạm phát, sức mua yếu trong khi cung toàn cầu tăng mạnh, do đó cùng một sản phẩm sẽ khó tăng giá bán. Tuy nhiên, công ty vẫn có khả năng tăng giá bán với sản phẩm mới, sản phẩm riêng biệt, kích cỡ khan hiếm hoặc nhà sản xuất có uy tín.
Đẩy mạnh Nhật Bản, mở mới Trung Quốc
Theo cơ cấu xuất khẩu năm 2023, Sao Ta bán khoảng 45% vào thị trường Nhật Bản và 30% vào thị trường Mỹ; tiếp đến là EU khoảng 7%, Australia 7%, Hàn Quốc 6% và các thị trường khác 5%. Định hướng chung của công ty là "giảm Mỹ, tăng Nhật".
Nói về khả năng hồi phục, lãnh đạo công ty cho biết khó đoán định thị trường thế giới khi nào hồi phục cũng như thị trường nào cải thiện trước, những vẫn kỳ vọng thị trường Nhật Bản phục hồi sớm nhất.
Đối với thông tin Ecuador mở rông xuất khẩu sang Nhật, phía Sao Ta khẳng định không phải là nguy cơ lớn đối với tôm Việt nói chung và công ty nói riêng.
"Ecuador là nước khan hiếm lao động, cơ giới hóa cao, sản lượng nuôi trồng và thu hoạch tôm quá lớn, không thể đem chế biến hàng giá trị gia tăng hết, xuất khẩu chủ yếu là tôm nguyên con hoặc lặt đầu. Nhật Bản cũng thiếu hụt lao động nên không nhập về để chế biến lại", đại diện doanh nghiệp nói.
Một khó khăn với doanh nghiệp là đồng Yên mất giá có thể tác động đến việc bán hàng sang Nhật Bản. Sao Ta cho biết vẫn đang trao đổi thường xuyên với khách hàng để có sự phối hợp chia sẻ nhằm giữ thị phần, hiện bán ở cả kênh lẻ và kênh nhà hàng.
Sở thích tiêu dùng của người Nhật là thủy hải sản. Do tình hình kinh tế khó khăn nên có thể có việc dịch chuyển khẩu phần sang các loại thịt heo, gà nhưng đại diện Sao Ta trấn an rằng không thể thay đổi hoàn toàn.
Một thông tin được cổ đông quan tâm là chiến lược nhảy vào thị trường Trung Quốc, đại diện Sao Ta khẳng định chưa có hoạt động bán hàng nhưng sự chuẩn bị nền tảng đang hình thành.
"Chúng tôi coi đây là thị trường tiềm năng hàng đầu và tự tin sẽ thâm nhập tốt thời gian tới, nhưng chưa khẳng định mốc thời gian và phụ thuộc vào khả năng tiếp cận", lãnh đạo doanh nghiệp nói việc này đòi hỏi thời gian và biết tận dụng cơ hội.
Thuế chống trợ cấp tại Mỹ
Đối với vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ thị trường Mỹ, lãnh đạo Sao Ta giải thích đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ nên sẽ tập trung theo dõi diễn biến tình hình, nhưng chắc chắn là có tác động.
"Trước mắt FMC sẽ tập trung bán vào Mỹ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt", sếp doanh nghiệp xuất khẩu tôm khẳng định.
Mức thuế chống trợ cấp (CVD) của Mỹ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác, tuy nhiên đây mức là mức công bố sợ bộ, mức thuế cuối cùng dự kiến chốt vào tháng 8-9/2024. Nếu mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt.
Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế.
Giá thành nuôi tôm phụ thuộc tỷ lệ thành công
Liên quan đến vấn đề nuôi tôm nguyên liệu, đại diện Sao Ta cho biết chi phí nuôi tôm không có số cố định mà bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thành công của vụ nuôi, tỷ lệ thành công càng cao thì chi phí nuôi thấp và ngược lại.
"Chênh lệch giá mua ngoài và tự nuôi bình quân khoảng 10.000 đồng", đại diện công ty chế biến tôm xuất khẩu tiết lộ.
Hiện Sao Ta có vùng nuôi tôm mới 200 ha đã vận hành vụ nuôi đầu tiên từ tháng 6/2023 và đến tháng 11/2023 thả nuôi vụ thứ 2, cuối tháng 4 sẽ thả nuôi vụ thứ 3. Công ty chưa thể kiểm soát toàn bộ chất lượng tôm giống, chất lượng nước và dịch bệnh, mà chỉ có thể kiểm soát ở mức càng nhiều càng tốt.
Giá thành nuôi tôm trên 100 con nếu trúng vụ khoảng 80.000 đồng, nếu không trúng vụ thì giá thành tăng lên khoảng 100.000 - 110.000 đồng.
Chỉ tiêu sản lượng tất cả các vùng nuôi trong năm 2024 là 12.000 tấn.
Về nhà máy mới Thủy sản Sao Ta, nhà máy đi vào hoạt đông từ giữa năm 2023 đầy khó khăn nên chưa có cơ hội phát huy hết công suất với sản lượng mới 3.500 tấn. Dự kiến sản lượng nhà máy mới tăng lên 7.000 tấn trong năm 2024.
Xem thêm tại vietnambiz.vn