Lãnh đạo TGDĐ làm việc không lương; HHV lấn sang đường sắt; Doanh nghiệp xi măng đồng loạt báo lỗ
MWG lãi chạm đáy, lãnh đạo chấp nhận làm việc không lương
Chưa bao giờ Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ) lại kinh doanh thảm như thế kể từ khi lên sàn, với lãi ròng chỉ 77 tỷ đồng trong 9 tháng. Trong bối cảnh ảm đạm, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã chấp nhận cảnh làm việc không lương.
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài không nhận lương trong quý III/2023 |
Theo báo tài chính hợp nhất quý 3 công bố gần đây, TGDĐ ghi nhận Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có thu nhập 226,3 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm. Con số này cũng ngang với mức đã ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên soát xét. Nói cách khác, ông Tài không nhận lương trong quý III.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, người dẫn dắt hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (ĐMX) và ông Trần Huy Thanh Tùng, CEO TGDĐ – cũng làm việc không lương.
Chỉ riêng ông Rober Willett, thành viên HĐQT, nhận gần 1 tỷ đồng thù lao trong quý 3 và nhận hơn 2,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Một thành viên HĐQT khác là ông Đặng Minh Lượm nhận gần 100 triệu đồng trong quý 3 và 532 triệu đồng trong 9 tháng.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh TGDĐ vừa đánh rơi gần hết lợi nhuận trong năm 2023. Ông lớn ngành bán lẻ chỉ lãi ròng 77 tỷ đồng và phần lớn nhờ vào khoản lãi từ 20.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, TGDĐ cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Doanh nghiệp thông tin khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Trong bối cảnh đó, TGDĐ ra chiến dịch “giá rẻ quá” với điện thoại điện máy để thu hút khách hàng và bước vào cuộc chiến giá cả với các công ty bán lẻ điện thoại điện máy khác.
Đối với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, do bản chất là hàng thiết yếu nên TGDĐ cho hay các ngành hàng này đang ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định.
Sau Nam Hải Đình Vũ, Gemadept chuẩn bị thoái vốn thêm một cảng tại miền Bắc
HĐQT Công ty cổ phần Gemadept vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Cảng Nam Hải. Trước đó, Công ty vừa hoàn tất thoái vốn một cảng khác là Nam Hải Đình Vũ trong quý 2 và trực tiếp thu về khoản lợi nhuận đột biến.
Cụ thể, Gemadept sẽ chuyển nhượng toàn bộ 999,8 ngàn cổ phần của Công ty tại CTCP Cảng Nam Hải, tương đương 99,98% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Cảng Nam Hải được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, trụ sở chính tại số 201 Ngô Quyền,TP. Hải Phòng |
Trước thời điểm Gemadept thông qua quyết định chuyển nhượng, Cảng Nam Hải là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng tại miền Bắc của Công ty và cũng là dấu ấn đầu tiên trong chiến lược “Bắc tiến”, đẩy mạnh phát triển mạng lưới khai thác cảng ra thị trường miền Bắc Việt Nam đầy tiềm năng và phát triển sôi động hàng đầu cả nước.
Cảng Nam Hải được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, trụ sở chính tại số 201 Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Khi đó, CTCP Cảng Nam Hải còn đang là công ty liên kết, liên doanh của Gemadept với tổng vốn đầu tư gần 27,6 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn. Đến năm 2010, Gemadept nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Nam Hải lên 99,98%. Tính đến thời điểm hiện tại, Cảng Nam Hải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Gemadept không thay đổi.
Đây không phải lần đầu tiên Gemadept thực hiện thoái vốn tại các cảng đang hoạt động trong năm nay. Cách đây không lâu, vào tháng 5/2023, GMD cũng đã thoái toàn bộ 84,66% vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư bao gồm CTCP Container Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy, Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng và ông Nguyễn Đình Hưởng.
Thương vụ này đã mang về khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.844 tỷ đồng cho Gemadept, đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh năm nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GMD ghi nhận doanh thu thuần 2.812 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% nhưng lãi ròng tăng đến 161% lên mức 2.107 tỷ đồng, vượt 154% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả lấn sân mảng đường sắt
Trong sự kiện Kết nối đầu tư, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) dự phóng doanh thu năm 2023 hơn 2,500 tỷ đồng, lãi sau thuế 385 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này muốn thử sức ở mảng đường sắt.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV trao đổi với các nhà đầu tư |
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV cho biết, trong các dự án mà HHV đang nghiên cứu, dự án đường sắt được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao đang được Chính phủ xem là hình thức đầu tư công, Đèo Cả sẽ tham gia với vai trò nhà thầu và phải thực sự am hiểu về lĩnh vực đường sắt này.
"HHV đang trong giai đoạn chuẩn bị bằng cách hợp tác với các đối tác nước ngoài, học tập các mô hình tàu hàng của Trung Quốc, còn tàu khách phải học từ Nhật Bản. Là nhà thầu nên Chính phủ đưa ra công nghệ gì thì sẽ làm cái đấy", vị Chủ tịch chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề trên, HHV đã đưa một số nhân sự chủ chốt của Công ty chuyển đổi bằng giao thông hiện nay qua bằng đường sắt và cử một số nhân sự sang nước ngoài để học tập một số công nghệ.
Với 3 mảng hoạt động chính là đầu tư, thi công xây lắp và quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV công bố số liệu ước tính kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 2,511 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện 2022; lãi ròng 385 tỷ đồng, tăng 29%.
Trong đó, hoạt động thu phí BOT chiếm tỷ trọng doanh thu chính với 1,566 tỷ đồng, kế đến từ hoạt động xây lắp 875 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công, HHV sẽ vượt 1% kế hoạch về doanh thu và vượt 14% kế hoạch về lợi nhuận.
Doanh nghiệp xi măng đồng loạt báo lỗ trong quý 3
Trong 12 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý 3/2023, có tới 10 doanh nghiệp báo lỗ, 1 doanh nghiệp giảm lãi và chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng.
Đứng đầu danh sách lỗ là Xi măng Bỉm Sơn với con số gần 56 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 36 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Xi măng Bỉm Sơn, tính từ quý III/2022.
Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận quý lỗ thứ 5 liên tiếp, tính từ quý III/2022 |
Theo sau là Xi măng VICEM Bút Sơn lỗ ròng gần 32 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của doanh VICEM Bút Sơn tính từ quý I/2014. Lý giải nguyên nhân, Xi măng VICEM Bút Sơn cho biết, do sản lượng tiêu thụ trong quý III giảm gần 95 ngàn tấn so với cùng kỳ; song song đó, các chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận của BTS sụt giảm.
Xi măng Vicem Hoàng Mai công bố lỗ ròng hơn 26 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của Vicem Hoàng Mai kể từ khi niêm yết trên HNX năm 2009.
Ông lớn trong ngành Xi măng Vicem Hà Tiên cũng có quý thứ hai báo lỗ trong năm 2023, với khoản lỗ 10 tỷ đồng trong quý 3/2023 (quý 1/2023 HT1 báo lỗ 86 tỷ đồng).
Ngược dòng các doanh nghiệp cùng ngành, Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh có quý 3 kinh doanh vượt trội khi đạt lãi ròng hơn 39 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ.
QNC cho biết đã tiết giảm và quản lý tốt chi phí đầu vào, tận dụng nguồn nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng như rác thải công nghiệp thông thường thay thế một phần nguyên liệu hóa thạch (than), sử dụng nguồn than tuyển (nguồn từ mỏ hiện có của Công ty) để phối trộn với than nhập khẩu, quản lý khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu đất, đá khai thác từ mỏ của Công ty... Ngoài ra, Công ty có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì bảo dưỡng bảo hành thiết bị đúng quy định, đảm bảo sản xuất luôn được ổn định.
Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý 3, lũy kế 9 tháng, QNC ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.018 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%; trong khi lãi sau thuế gần 95 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. QNC cũng đã vượt kế hoạch 125% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm sau 9 tháng.
Tuy không tăng trưởng trong quý 3, nhưng Xi măng La Hiên VVMI cũng là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong ngành khi báo lãi ròng gần 9 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần Xi măng La Hiên VVMI đạt gần 460 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 30 tỷ đồng, giảm 26%. So với kế hoạch cả năm, Công ty đã thực hiện được 62% chỉ tiêu doanh thu và 66% chỉ tiêu lãi trước thuế sau 9 tháng.
Lộc Trời và Ngân hàng Hà Lan ký kết gói tín dụng 90 triệu USD sản xuất lúa gạo bền vững
CTCP Tập đoàn Lộc Trời thông báo việc ký kết và trao đổi ý định thư Tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD (hơn 2.100 tỷ đồng) giữa Lộc Trời và Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO). Khoản tín dụng được cam kết sử dụng cho hai mục đích là ngắn hạn và dài hạn.
Đại diện FMO trao ý định thư về thu xếp gói thỏa thuận tín dụng trị giá 90 triệu USD cho ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Lộc Trời |
Khoản tín dụng ngắn hạn dành cho các hạng mục tài trợ vốn liên kết sản xuất lúa gạo bền vững. Trong khi đó, khoản tín dụng trung và dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp gồm máy móc, kho chứa tại 10 nhà máy gạo của các thành viên Tập đoàn Lộc Trời để nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng gạo.
Phía Lộc Trời cho biết trong suốt gần 2 năm, chuyên viên của FMO đã trực tiếp qua Việt Nam nhiều lần, đến các nhà máy của Tập đoàn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, phía đối tác còn thực hiện phỏng vấn nhiều phòng ban bộ phận và tất cả chủ thể trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời.
Với nguồn tài trợ 90 triệu USD, Lộc Trời cam kết tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm cả các đối tác trong chuỗi cung ứng, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng môi trường nông thôn đáng sống.
Xem thêm tại baodautu.vn