Lãnh đạo Trí Việt: Ông Phạm Thanh Tùng chưa kịp thời nhận thức Luật Chứng khoán mới có hiệu lực
CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (Mã: TVC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 8/6, theo hình thức trực tuyến.
Tại phiên thảo luận, ban lãnh đạo đã trả lời chất vấn của cổ đông về ảnh hưởng đến cổ phiếu TVC và TVB của Chứng khoán Trí Việt từ vụ việc ông Phạm Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị tiếp tục bị truy tố tại vụ án thứ hai, cùng liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Trước đó, ông Phạm Thanh Tùng liên quan đến vụ án thao túng giá cổ phiếu "nhóm Louis", đồng phạm là ông Đỗ Đức Nam, cựu CEO Chứng khoán Trí Việt cùng nhân viên của công ty chứng khoán này.
Trước câu hỏi trên của cổ đông, ban lãnh đạo mới của Chứng khoán Trí Việt khẳng định đây là sự việc cá nhân của ông Tùng, không ảnh hưởng đến công ty. Tình trạng của công ty là tốt, cơ quan điều tra đã rà soát quá khứ và hiện tại, đã xác nhận rằng TVC không bị cấm hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ vấn đề pháp lý nào, đáp ứng được điều kiện của doanh nghiệp niêm yết.
Theo thông tin tìm hiểu của phía công ty, tại bản cáo trạng của Viện Kiểm soát Nhân dân TP Hà Nội, Cơ quan điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ ngày 04/05/2020 đến ngày 19/10/2020, để tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu TVB, TVC, ông Phạm Thanh Tùng đã chỉ đạo một số cộng sự mở nhiều tài khoản chứng khoán, đặt lệnh giao dịch đối ứng với hai mã này.
Các giao dịch nội nhóm nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu, nhưng đã khiến 31 nhà đầu tư khác bị thiệt hại, với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng. Hiện ông Phạm Thanh Tùng đã nộp hơn 2,2 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại cho nhà đầu tư.
Kết luận điều tra của Công an TP Hà Nội cũng cho biết, mục đích mở nhiều tài khoản chứng khoán để các tài khoản nội nhóm Trí Việt tự giao dịch cổ phiếu TVB, TVC nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Sau khi thực hiện lưu ký, giao dịch hai mã TVB, TVC, ông Tùng chỉ đạo sử dụng cổ phiếu TVB, TVC được lưu ký trên các tài khoản chứng khoán nội nhóm để cầm cố ký quỹ vay tiền tại các công ty chứng khoán, sử dụng tiền vay để đầu tư các mã chứng khoán khác.
Trong những tháng đầu năm 2020, diễn biến thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các cổ phiếu lớn bị giảm giá, dẫn đến nhiều khoản vay đầu tư bị call margin, phải bán tài sản đảm bảo để trả nợ. TVB, TVC cũng nằm trong các tài sản đảm bảo phải bán để trả nợ tiền vay, nên liên tục được giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận để đảo nợ trong thời gian này.
Cơ quan chức năng xác định, giao dịch liên tục cổ phiếu TVC, TVB trong nội nhóm gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3,3 tỷ đồng. Do thị trường chứng khoán giảm mạnh, ông Phạm Thanh Tùng được xác định lỗ 130 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư, đảo nợ trong giai đoạn trên.
“Chúng tôi được biết đây là sự việc ngoài ý muốn của ông Tùng. Do Covid-19 dẫn tới thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh từ 900 điểm về 600 điểm, bản thân ông Tùng đầu tư chứng khoán cũng thiệt hại nặng nề (lỗ 130 tỷ đồng) và phải trả nợ đáo hạn vay margin trong thời gian hợp đồng 90 ngày.
Ngoài ra, thời điểm xảy ra vụ việc là giai đoạn đầu của Luật chứng khoán mới có hiệu lực, do đó ông Tùng cũng chưa kịp thời nhận thức dẫn đến hành vi vi phạm”, lãnh đạo TVC cho biết.
Xem thêm tại vietnambiz.vn