Lãnh đạo VietinBank, Agribank, HDBank hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các lãnh đạo ngân hàng đã có những hé lộ về kết quả kinh doanh trong nửa năm qua.
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Trần Minh Bình cho biết tính đến 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của đạt 6,7%, đến ngày 22/7 đạt 7%.
Ông Bình đánh giá kết quả trên là sự nỗ lực của ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bên cạnh đó, ngân hàng cũng quản trị chặt chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và NHNN đưa ra.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn lại tiết lộ ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5 - 1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Ngoài ra, ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, ông Ấn thông tin thêm. Chẳng hạn, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng được giải ngân.
Với chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Agribank cũng là ngân hàng giải ngân nhiều nhất: phê duyệt 11 dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ, dư nợ cho vay 657 tỷ đồng.
Dự kiến sẽ giải ngân 5 dự án trong thời gian tới với tổng số tiền phê duyệt 1.558 tỷ đồng. Hiện nay đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng, ông Ấn tiết lộ.
Trước đó, trong buổi làm việc cùng NHNN, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết tính đến 30/6/2024 tổng tài sản của Agribank tăng 1,8% so với cuối năm trước, huy động vốn tại thị trường 1 tăng 1,3%. Dư nợ toàn hệ thống Agribank đến 30/6/2024 tăng 2,6%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 giảm 0,02% so với cuối năm 2023.
Cụ thể, vốn huy động thị trường 1 đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,59 triệu tỷ đồng, trong đó cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Ở khối cổ phần, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) Kim Byoungho chia sẻ rằng tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt hơn 382.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,2%.
Ông Kim Byoungho cho biết HDBank đã ra mắt nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp chỉ từ 5-6%/năm, tinh gọn quy trình cấp tín dụng và phối hợp chặt chẽ với khách hàng để nắm bắt rõ nhu cầu và vướng mắc, từ đó cho ra mắt sản phẩm và giải pháp phù hợp.
Ngoài những ngân hàng đã hé lộ kết quả trên, một ông lớn khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây cũng đã có những công bố về tình hình kinh doanh nửa đầu năm.
Trong buổi làm việc với NHNN vào đầu tháng 7, lãnh đạo BIDV cho biết huy động vốn tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/6 đạt 5,83%. Ngoài ra, BIDV tiếp tục đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam về quy mô tài sản và đã vươn lên ở trong top 3 ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Tính đến sáng ngày 26/7, đã có 6 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, bao gồm Techcombank, ACB, LPBank, SeABank, PGBank và BaoViet Bank.
Trong đó, đầu về tốc độ tăng trưởng là LPBank (tăng 244% so với cùng kỳ), kế đến là SeABank (tăng 83%) và Techcombank (tăng 39%).
Xem thêm tại vietnambiz.vn