Lệnh thuế Mỹ càn quét TTCK: Nhóm ngành nào là nơi 'trú ẩn' cho nhà đầu tư?
"Cơn bão" thuế quan từ Mỹ khi "quét" qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã mang theo làn sóng bán tháo và tâm lý hoảng loạn. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đầy biến động, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI vẫn nhìn ra một số nhóm ngành an toàn, mở ra cơ hội "trú ẩn" cho nhà đầu tư.

Ngành điện được đánh giá là một "điểm sáng", bởi tính liên kết chặt chẽ với thị trường trong nước, phụ thuộc vào đà tăng trưởng kinh tế nội địa. Theo ông Hưng, ngành điện có nhiều thông tin đang chờ đợi kỳ vọng như quy hoạch điện 8, việc xử lý đối với giá FIT của nhiều dự án điện năng lượng tái tạo.
"Giá điện gần đây đã có nghị định từ Chính phủ, câu chuyện của ngành liên quan chủ yếu trong nước, đây là ngành thú vị mang tính chất an toàn ở thời điểm này", vị chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng được đánh giá là một lĩnh vực an toàn. Ông Hưng lý giải, phần lớn tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng gắn với thị trường nội địa. Trong bối cảnh khó khăn từ thị trường quốc tế, khách hàng có xu hướng quay lại tìm kiếm cơ hội ở thị trường trong nước, từ đó tạo lực đẩy cho tín dụng và dịch vụ tài chính.
“Chỉ cần kinh tế nội địa tăng trưởng tốt, có nhiều cơ hội, tín dụng sẽ tìm được hướng để ngành ngân hàng thu lại được lợi nhuận khá là tích cực”, vị chuyên gia phân tích.
Ở chiều ngược lại, các ngành xuất khẩu mạnh sang Mỹ như thủy sản và thép được dự báo sẽ chịu áp lực không nhỏ. Mức thuế 46% nếu được áp dụng thực tế sẽ tương đương với mức thuế chống bán phá giá rất cao, đặc biệt đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng cũng nhìn nhận rằng khả năng người tiêu dùng Mỹ chuyển sang nguồn cung thay thế là không dễ, khi nhiều quốc gia khác cũng bị áp thuế cao và sản phẩm thủy sản Việt Nam vốn có độ co giãn cầu không quá lớn.
Với ngành thép, ông Hưng đánh giá, xuất khẩu thép của Việt Nam không chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng doanh thu toàn ngành và các mặt hàng liên quan đến thép không bị áp thuế đối kháng quá cao và có các cơ chế thuế riêng. Do đó, ngành thép toàn cầu sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Theo vị chuyên gia, lo ngại chính đến từ tình trạng dư cung từ Trung Quốc – yếu tố có thể tiếp tục đè nặng lên giá thép toàn cầu. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng Việt Nam hiện đã có một số công cụ bảo hộ thị trường nội địa, giúp ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ tràn vào.
“Việt Nam 20 năm gần đây đã có bộ công cụ để có thể ngăn chặn làn sóng sản phẩm có giá rẻ tràn vào nội địa. Do đó, các chính sách bảo hộ thép nội địa vẫn là điểm quan trọng để đầu tư vào ngành này”, ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh.
Với bất động sản khu công nghiệp, chuyên gia SSI nhận định ngành này sẽ không chịu ảnh hưởng lớn, bởi các quyết định đầu tư FDI vốn mang tính dài hạn và không dễ bị thay đổi đột ngột bởi các biến động ngắn hạn như tin tức thuế quan. Trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi. Dù vậy, hạn chế của ngành có thể từ nguồn cung đất sạch.
"Các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu không thể giải quyết chỉ trong 1-2 ngày, chỉ vì hôm nay xuất hiện một chính sách thuế mới từ Mỹ… Những biến động liên tục và thay đổi hàng ngày như vậy khiến nhà đầu tư FDI không thể đưa ra quyết định dài hạn dựa trên các thông tin ngắn hạn”, ông Hưng nói.
Với ngành vận tải biển, Kinh tế trưởng SSI cho rằng có khả năng xuất hiện nhu cầu tăng đột biến trong tạm thời, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để né thuế trước thời điểm chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, khung thời gian này tương đối ngắn, và về dài hạn, ảnh hưởng của ngành sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán thuế và tác động lan tỏa lên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù là thách thức, đây cũng có thể là cơ hội để tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu, hướng tới sự bền vững và thích ứng tốt hơn với biến động chính sách.
Tuy vậy, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển có thể sẽ bộc lộ rõ hơn trong quý II hoặc quý III, khi các tín hiệu kinh tế toàn cầu phản ánh rõ hơn các biến động thuế.
Đối với ngành cao su, đặc biệt là mảng sản phẩm liên quan đến săm lốp ô tô, ông Hưng cho rằng ảnh hưởng có thể không kéo dài lâu. Nguyên nhân là các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ cũng đang chịu áp lực, do họ phải nhập khẩu linh kiện để lắp ráp xe và đã bắt đầu có những phản ứng rõ rệt với chính sách thuế mới. Do đó, khả năng cao Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách để phân biệt rõ hơn giữa xe nguyên chiếc và linh kiện, nhằm tránh ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất trong nước. Điều này sẽ giúp các nhà cung cấp linh kiện, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động tiêu cực trong trung và dài hạn.
Ngành công nghệ, đại diện tiêu biểu là cổ phiếu FPT, hiện tại không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới, bởi thuế chủ yếu áp lên hàng hóa, trong khi FPT chủ yếu cung cấp dịch vụ công nghệ. Tuy nhiên, ông Hưng cảnh báo rằng nếu chiến tranh thương mại kéo dài dẫn đến suy thoái kinh tế, đặc biệt là ở Mỹ, thì ngân sách dành cho mảng công nghệ sẽ bị cắt giảm. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng của FPT trong thời gian tới.
Ngoài ra, xu hướng điều chỉnh định giá cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu hiện cũng đang tạo thêm áp lực đối với cổ phiếu FPT. Dù vậy, một điểm sáng vẫn còn: FPT tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số trong nước, khi nhu cầu số hóa trong khối doanh nghiệp và khu vực công ngày càng tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index giảm 19,17 điểm (-1,96%), lùi về mốc 1.211 điểm. Dù lực cầu bắt đáy gia tăng, chỉ số vẫn tiếp tục điều chỉnh, song mức giảm đã thu hẹp so với phiên trước. Thanh khoản thị trường bùng nổ với gần 2 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, xác lập kỷ lục về khối lượng giao dịch.
Trên sàn HoSE, sắc đỏ chiếm ưu thế với 354 mã giảm, trong đó có 101 mã giảm sàn; ngược lại, 138 mã tăng giá và 42 mã giữ tham chiếu.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn