Liên tục bán ra, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại thấp nhất 1 thập kỷ, khi nào đà "xả hàng" dừng lại?
Trong vòng 26 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng trong tháng 1, 3/2023 và tháng 1/2024.
![Liên tục bán ra, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại thấp nhất 1 thập kỷ, khi nào đà "xả hàng" dừng lại?](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/10/untitled(8).png)
5 tỷ USD (~128.400 tỷ đồng) là giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2023 tới hiện tại. Áp lực xả hàng kéo dài chưa từng có trong lịch sử. Trong 26 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng trong tháng 1, 3/2023 và tháng 1/2024.
![](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/10/image(14).png)
Câu chuyện tỷ giá là một trong những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường như Việt Nam. Việc VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn.
Không những vậy, việc thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hoá chất lượng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với chứng khoán Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.
Áp lực bán ròng khi nào mới giảm bớt?
Kỳ vọng về sự trở lại của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản và thách thức. Những yếu tố như diễn biến kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn và mức độ hấp dẫn của thị trường nội địa so với các khu vực khác đều có thể tác động đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, quá trình này sẽ khó có thể diễn ra trong ngắn hạn và cần thêm thời gian để các điều kiện thuận lợi hơn được định hình.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho rằng dòng vốn từ các Quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều trong năm 2025. Theo đó, dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Fed và áp lực tỷ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.
Dù vậy, SSI chỉ ra điểm tích cực là tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế. Theo thống kê, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại theo vốn hóa toàn thị trường hiện chỉ còn khoảng 16%.
![](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/10/image(13).png)
SSI kỳ vọng việc NĐT nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn. Chứng khoán Agriseco ước tính, với quy mô vốn hoá thị trường khoảng 5 triệu tỷ đồng, lượng tiền mở ra sau khi tháo gỡ “Pre-funding” lên tới khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng. Chuyên gia Agriseco cũng kỳ vọng dòng tiền của khối ngoại có thể tích cực hơn trong nửa cuối năm 2025 khi các đợt hạ lãi suất của FED sẽ làm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, “cá mập” Pyn Elite Fund (Phần Lan) vẫn bày tỏ quan điểm lạc quan về thị trường Việt Nam. Người đứng đầu Petri Deryng đánh giá VN-Index đang bị giới hạn trong phạm vi giao dịch 1.200 - 1.300 điểm nhưng mục tiêu dài hạn của quỹ đối với chỉ số vẫn không đổi ở mức 2.500 điểm. Mục tiêu này dựa trên mức tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm tới và định giá thị trường chứng khoán ở mức P/E 16.
Quỹ mới đây cũng vừa hé lộ việc HoSE ấn định ngày ra mắt hệ thống KRX mới vào đầu tháng 5/2025. Cùng với đó, các cơ chế như Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm và dịch vụ mới, chuẩn bị cho việc nâng hạng trong tương lai.
Xem thêm tại markettimes.vn