Liệu có đột phá trong xử lý nợ xấu năm 2024?
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, trong năm 2024, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.
Xử lý nợ xấu ngày càng khó
Nợ xấu đang là mối lo của toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã đạt 4,95%, nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu có nguy cơ trở thành nợ xấu là rất lớn.
Ngay cả những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu giảm và nợ xấu mức dưới 3% cũng xem việc xử lý nợ xấu trong năm nay là nhiệm vụ trọng tâm.
Tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, kết thúc tháng 12/2023, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%.
Việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng. |
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ 0,68% (cuối năm 2022) lên 1,21% (tháng 9/2023). Dù so với các ngân hàng thương mại khác, đây là con số nhỏ nhưng so sánh biến động qua các thời kỳ của Vietcombank thì nợ xấu năm 2023 là con số lớn nhất.
Trong khi đó, VietinBank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý IV/2023, thậm chí còn xuống mức thấp hơn cuối năm 2022. Cụ thể, nhà băng này cho biết tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 chỉ còn 1,12%. Trong khi trước đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này cuối quý III/2023 là 1,37% và cuối năm 2022 là 1,24%.
Tương tự, tỷ lệ nợ xấu tại BIDV cũng có chuyển biến tích cực, hết năm 2023 chỉ còn 1,1%; Agribank cũng duy trì nợ xấu ở mức dưới 2%.
Trước đó, cuối tháng 9/2023, Vietcombank, VietinBank, BIDV nằm trong số 5 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Những ngân hàng này cũng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu dẫn đầu ngành. Trong đó, Vietcombank giữ vị trí quán quân với mức 280%, VietinBank và BIDV lần lượt ghi nhận ở mức 160% và 192%.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2024, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank đánh giá việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn, mà phần lớn nguyên nhân là phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột Nga-Ukraine và tại Trung Đông) đẩy chi phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ. Qua đó có thể thấy, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng của ngành ngân hàng.
Các chuyên gia nhận định, nợ xấu cũ chưa được xử lý xong thì có thể có thêm nợ xấu mới khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực, như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại.
Hơn nữa, tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tại một vài nhà băng lên đến 80-90%. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất, nhưng việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn vì thị trường bất động sản "đóng băng".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Phấn đấu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các TCTD yếu kém) dưới 3%.
Bên cạnh đó, các TCTD còn phải lo lắng thêm về hành lang pháp lý đối với việc xử lý nợ xấu, mà sắp tới sẽ có nhiều khoảng trống, khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, trong khi Luật các TCTD (sửa đổi, bổ sung thêm các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42) chưa được Quốc hội thông qua.
Lấp đầy "khoảng trống pháp lý"
Để xử lý nợ xấu có hiệu quả, ông Bình đề xuất cần luật hóa Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ.
“Sự ra đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ góp phần tích cực trong kết quả thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực, sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý lớn, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD”, ông Bình nhìn nhận.
Theo đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề xuất ban hành sửa đổi/bổ sung, thiết lập mối liên kết giữa các quy định pháp luật, đồng thời quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật khi phát sinh những quy định khác nhau.
Đồng thời, các cơ quan Tòa án, Thi hành án đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thời hạn tố tụng, thời hạn thi hành án theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD.
Còn theo đại diện MB, cần áp dụng giải pháp tố tụng rút gọn trực tuyến và các biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật không trả nợ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Trong khi đó, Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn, cho biết nhiều doanh nghiệp có nợ nhóm 1 đang đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn. Vì vậy, ông Ấn đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép TCTD được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp.
"Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ", ông Ấn nói.
Về tiếp tục duy trì Thông tư 02, tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ xem xét để trong trường hợp cần thiết có thể tiếp tục áp dụng.
"Tính đến 30/6, nếu như nền kinh tế vẫn cần, doanh nghiệp vẫn cần thì trước đó khoảng 3 tháng, chúng tôi sẽ trình để tiếp tục duy trì Thông tư 02", ông Tú nói.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn