[LIVE] ĐHĐCĐ BIDV: Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16%, muốn tăng vốn điều lệ thêm gần 21.700 tỷ
Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên của BIDV. (Ảnh: HK).
Năm nay, BIDV lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo giới hạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, dự kiến 16%. Huy động vốn được điều hành phù hợp với sử dụng vốn. Lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong khi nợ xấu được kiểm soát dưới 1,4%.
Ngân hàng cho biết những chỉ tiêu chưa có số liệu chi tiết sẽ được BIDV cập nhật dựa trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart và kế hoạch 2025.
Muốn tăng thêm gần 21.700 tỷ đồng vốn điều lệ
Tại đại hội, BIDV trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỷ đồng, lên gần 91.870 tỷ đồng thông qua việc tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trả cổ tức và phát hành thêm.
Về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, BIDV sẽ phát hành tối đa hơn 498.516.696 triệu cổ phiếu (tương đương 7,1% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).
Với kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2023, BIDV dự kiến phát hành tối đa gần 1.397.251.021 cổ phiếu (tương đương 19,9% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên.
Cuối cùng là phương án phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư bằng hình thức chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng với số lượng tối đa 269.846.330 triệu cổ phiếu (tương đương 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).
Đối tượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là tổ chức trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của BIDV.
ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định cụ thể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng các yêu cầu và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư.
Về nguyên tắc xác định giá, giá cổ phiếu chào bán riêng lẻ đảm bảo không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm hoặc giá trị được ghi trong sổ sách cảu cổ phần tại thời điểm gần nhất.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thời gian thực hiện cả ba phương án trên dự kiến trong 2025 - 2026. ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi nhận được chấp thuận của các cơ quan nhà nước.
Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV.
Cụ thể, vốn điều lệ tăng thêm được sử dụng cho hoạt động tín dụng: tăng trưởng đáp ứng yêu cầu vốn cho nền kinh tế gắn với tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, ưụ tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh, tín dụng bán lẻ.
Bên cạnh đó, vốn tăng thêm sẽ dùng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, ngân hàng số, chuyển đổi hoạt động. Đồng thời tiếp tục đầu tư có hiệu quả trên thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Bầu bổ sung một thành viên HĐQT
Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung một thành viên HĐQT và một thành viên Ban Kiểm soátnhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ứng viên HĐQT là ông Lê Quốc Nghị - Vụ trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Nghị sinh năm 1965 và bắt đầu làm việc ở NHNN từ năm 1989 và kinh qua nhiều vị trí như Phó Trưởng phòng Tổng hợp và Nghiên cứu kinh tế NHNN chi nhánh Hà Tây (cũ); Trưởng phòng Tin học NHNN chi nhánh Hà Tây (cũ); Kiểm soát viên Vụ Tổng kiểm soát NHNN; Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Vụ Tổng kiểm soát NHNN; Phó Vụ trưởng, Vụ Trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ NHNN.
Còn ứng viên Ban Kiểm soát là ông Huỳnh Phương (sinh năm 1968) - nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (nay là Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki), nguyên Phó Giám đốc Ban Kiểm tra và Giám sát tuân thủ BIDV.
Thảo luận
Tiếp tục cập nhật...
Xem thêm tại vietnambiz.vn