[LIVE] Thị trường ‘đánh úp’ cuối phiên, VN-Index giảm 9 điểm, nhóm cổ phiếu APEC sàn
Giằng co cả ngày 28/5, VN-Index đón lực cầu vào cuối phiên, giúp chỉ số tăng 14,05 điểm lên 1.281,73 điểm. Sáng 29/5, Tổng cục Thống kê có công bố dữ liệu kinh tế tháng 5. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 5/2024 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
Xu hướng tích cực của VN-Index tiếp tục được duy trì trong đầu giờ sáng phiên giao dịch ngày 29/5.
14h45: VN-Index bất ngờ giảm mạnh từ thời điểm sau 14h, kết phiên chỉ số giảm 9,09 điểm (-0,71%) về 1.272,64 điểm. Như vậy, chỉ số tiếp tục “gặp khó” tại mốc 1.280 điểm. Thanh khoản phiên giảm điểm lớn, đạt 1.072,5 triệu cổ phiếu, cao hơn 28% so với thanh khoản trung bình giao dịch 20 phiên. Giá trị giao dịch đạt 25.430 tỷ đồng.
Thị trường còn 8/25 nhóm ngành giữ sắc xanh, trong đó, tích cực nhất là nhóm sản xuất thiết bị, máy móc (+2,07%), cao su (+1,85%), chăm sóc sức khỏe (+1,2%). Các nhóm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia có diễn biến không mấy tích cực như ngân hàng (-0,85%), chứng khoán (-0,67%), bất động sản (-0,89%), bán lẻ (-1,09%).
Nhóm cổ phiếu APEC trần tím đầu phiên nhưng chỉ trong vài phút gần thời điểm 14h30 bị bán mạnh xuống giá sàn. Nhà đầu tư mua ở giá trần mất 20% giá trị cổ phiếu ngay trong phiên giao dịch.
14h10: VN-Index chưa phá thế giằng co, một số cổ phiếu bất ngờ đón dòng tiền và tăng mạnh như EIB (+4,8%), AAA (+6,44%)... nhóm điện gồm BCG (+6,89%), POW (+1,61%), TTA (+4,64%). Cổ phiếu VND sau đà hưng phấn đầu giờ sáng bị bán ngược trở lại và chỉ còn tăng 1,4%.
Độ rộng thị trường đang lệch về bên giảm với 239 mã giảm, 198 mã tăng và 63 mã tham chiếu. Thanh khoản đạt 900 triệu cổ phiếu, cao hơn thanh khoản trung bình 20 phiên dù chưa kết thúc phiên giao dịch.
11h30: Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 3,25 điểm (-0,25%) về 1.278,48 điểm. Thanh khoản 441,6 triệu cổ phiếu, cao hơn 13% so với thanh khoản phiên liền trước, giá trị giao dịch đạt 10.554 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng 729,7 tỷ đồng, trong đó bán mạnh các cổ phiếu CTG (181,3 tỷ đồng), DGC (53,5 tỷ đồng), MSN (49,5 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, nhóm này mua vào FPT 104,8 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng giảm 0,64% gây tác động lớn đến chỉ số. Tuy nhiên, cổ phiếu LPB vẫn ngược dòng tăng 4%. Tính từ đầu năm 2024, cổ phiếu này đã tăng 65%.
10h30: VN-Index gặp áp lực bán trở lại, chỉ số giảm 2,36 điểm về 1.279,31 điểm. Thanh khoản đạt 296 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 7.188 tỷ đồng.
Một số nhóm như dầu khí, hóa chất, thép diễn biến tích cực nhưng dòng tiền không quá mạnh. Ngoài ra, sự phân hóa xuất hiện, nhiều cổ phiếu cùng dòng diễn biến trái chiều. Thị trường thiếu nhóm ngành đủ mạnh để dẫn dắt.
9h20: VN-Index tăng nhẹ 0,22 điểm lên 1.281,95 điểm. Tuy nhiên, độ rộng thị trường lệch hẳn về bên tăng với 166 mã tăng, 98 mã giảm và 98 mã tham chiếu; có 16/25 nhóm ngành giữ sắc xanh, trong đó đứng đầu là nhóm nhựa - hóa chất tăng 1,67%.
Cổ phiếu VND sau khi chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu bật tăng mạnh 4,19%, kèm thanh khoản 3,6 triệu đơn vị - đứng đầu HoSE.
Nhóm cổ phiếu APEC gồm API, IDJ, APS tiếp tục trần tím. Trước đó, ngày 28/5, IDJ có tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, tại cuộc họp, công ty nâng chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện năm 2024. Đồng thời, IDJ cho biết số tiền vài trăm tỷ đồng phải thu - từng coi là "mập mờ" trong báo cáo tài chính sẽ đòi đủ cả gốc lẫn lãi thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần tại nhiều công ty.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn