Lo cho ‘sức khỏe’ của các công ty chứng khoán
Theo số liệu thống kê mới nhất, trong số các công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2024, nhiều CTCK ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, thậm chí còn lỗ nặng.
Nhiều công ty báo lợi nhuận sụt giảm mạnh
Điển hình như Chứng khoán Everest (EVS), trong quý III, doanh thu hoạt động giảm 74% so với cùng kỳ xuống 36 tỷ, hầu hết các mảng như tự doanh, cho vay và môi giới đều sụt mạnh. Chi phí hoạt động tăng càng khiến EVS lỗ tới hơn 35 tỷ, trở thành CTCK lỗ nặng nhất ngành cho tới thời điểm hiện tại.
Số lỗ trong quý III khiến lợi nhuận trước thuế (LNTT) luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024 của EVS sụt mạnh về còn chưa tới 5 tỷ, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán EVS lỗ hơn 35 tỷ, là CTCK lỗ nặng nhất ngành cho tới thời điểm hiện tại. |
Chung số phận, Chứng khoán Phố Wall (WSS) công bố lỗ ròng 8,8 tỷ đồng trong quý III/2024, một phần do gia tăng lỗ từ hoạt động tự doanh tài sản tài chính FVTPL. Đây đã là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của Chứng khoán Phố Wall.
Kết quả này đã kéo tổng lỗ của công ty lên tới 33 tỷ đồng sau 9 tháng, khiến kế hoạch đạt lợi nhuận sau thuế 4,4 tỷ đồng cho cả năm trở nên ngày càng mờ mịt.
Hay như Chứng khoán CV (CVS) báo lỗ trước thuế gần 10 tỷ đồng trong quý III, ghi nhận quý thứ 9 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, CVS đạt hơn 7 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng trưởng 115% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lỗ trước thuế gần 24 tỷ đồng.
Chứng khoán Thủ Đô (CASC) dù vẫn đạt lợi nhuận 3,2 tỷ đồng trong quý III nhờ vào việc thắt chặt chi phí, nhưng lũy kế 9 tháng báo lỗ sau thuế 2,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước còn lãi 10,6 tỷ đồng.
Còn Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) báo lỗ gần 6 tỷ đồng trong quý III.
Trong khi đó, một số CTCK khác ghi nhận lợi nhuận giảm như Chứng khoán FPT (FPTS, mã: FTS) đạt 103 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2024, giảm mạnh 51% so với cùng kỳ.
Hay như Chứng khoán Thành Công (TCSC, mã: TCI) báo lãi trước thuế 20 tỷ, giảm 3%.
Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận lãi ròng gần 106 tỷ đồng, giảm 27%.
Còn Chứng khoán VIX (VIX) ghi nhận lợi nhuận quý III đạt 265,3 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước và tăng 113% so với quý II. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, công ty chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 551 tỷ đồng, giảm gần 30%, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch năm.
Vì đâu nên nỗi?
Nhìn chung, trong kỳ kinh doanh vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đi ngang với biên độ hẹp, dòng tiền không vào mạnh trước những lo ngại rủi ro vĩ mô trên thế giới, và thiên tai ảnh hưởng nặng đến kinh tế trong nước.
Mặt khác, từ đầu năm đến nay, VN-Index có mức tăng khoảng 12% nhưng có một vài nhịp điều chỉnh như tháng 4, tháng 8, hiệu suất 11 – 12% đã có lúc về chỉ còn 5%. Vì vậy, yếu tố mang tính biến động là một trong những rào cản khiến nhà đầu tư chưa mạnh dạn giải ngân. VN-Index nhiều lần không vượt ngưỡng 1.300 phần nào làm thu hẹp dòng tiền.
Trong bối cảnh đó, nhiều CTCK báo doanh thu, lợi nhuận đi lùi và cũng không ít đơn vị báo lỗ, đặc biệt mảng môi giới ngày càng ảm đạm.
Theo giới phân tích, những thách thức trong hoạt động kinh doanh không chỉ ảnh hưởng đến các con số tài chính mà còn tác động sâu sắc đến khả năng phát triển bền vững và khả năng hồi phục của từng công ty trong tương lai.
Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, giới phân tích chỉ ra một số câu chuyện thúc đẩy dòng tiền vào TTCK thời gian tới. Việc thanh khoản tăng cao giúp VN-Index khởi sắc, từ đó thu hút thêm hoạt động mua bán cũng như mở tài khoản mới, qua đó giúp các CTCK “hồi sức”.
Trước hết là câu chuyện tăng trưởng, mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm rất cao, dự báo cả năm 2024 có thể đạt mức 7%. Khi kinh tế phục hồi thì lợi nhuận doanh nghiệp chắn chắn phục hồi. Theo dự báo gần đây nhất của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ ở mức khoảng 16% so với năm 2023, sang năm 2025 đạt 26%.
“Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng là yếu tố thúc đẩy dòng tiền quay trở lại TTCK để tìm đến cơ hội đầu tư tốt”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết.
Bên cạnh đó là chính sách tiền tệ. Dữ liệu cho thấy trong 10 năm trở lại đây, khi lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh hạ dần xuống thì TTCK có xu hướng đi lên về mặt dài hạn.
Cụ thể, từ giai đoạn hạ lãi suất 2011 – 2016, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm rất nhanh thúc đẩy dòng tiền đổ vào TTCK. Giai đoạn thứ 2, Covid năm 2019 và 2020, lãi suất tái cấp vốn về đáy lịch sử, lợi suất trái phiếu Chính phủ về mức thấp và TTCK đi lên. Đến cuối năm 2022, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu ở mức cao kỷ lục và bắt đầu đi xuống, lợi nhuận trái phiếu Chính phủ 5 năm cũng tạo đỉnh và đi xuống thì TTCK tạo đáy và đi lên.
Kỳ vọng trong giai đoạn tới, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục hạ lãi suất thì mức chênh lệch giữa VND và USD thu hẹp, câu chuyện tỷ giá không gây quá nhiều áp lực. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước có dư địa cắt giảm lãi suất tái cấp vốn khoảng 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Khi động thái này diễn ra, TTCK có nhịp phục hồi tốt giống nhịp phục hồi từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái.
Cuối cùng là câu chuyện nâng hạng thị trường. Theo cập nhật mới nhất của FTSE Russell, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ Cận biên lên Mới nổi. Song, Việt Nam cũng đã đạt được một số đánh giá tích cực, đặc biệt là Thông tư 68 của Bộ Tài chính ban hành ngày 19/8, gỡ bỏ ràng buộc ký quỹ đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, tức là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần phải có sẵn tiền mặt và chỉ thực hiện thanh toán khi cổ phiếu về tài khoản.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn