Lộ diện ngân hàng dẫn đầu hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh nửa đầu năm 2024?
Nửa đầu năm 2024 chứng kiến nhiều biến động lớn trong thị trường tài chính, cùng với đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã lộ diện với nhiều bất ngờ thú vị.
Theo báo cáo của FiinGroup, riêng quý II/2024 lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường đã tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong bức tranh này, nhóm ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế trụ cột khi đóng góp 49,5% vào tổng lợi nhuận toàn thị trường, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 21,6%, tương đương hơn 60.900 tỷ đồng.
Ngân hàng chiếm 49,5% tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường, nguồn: FiinGroup |
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành ngân hàng thu về gần 118.350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm, nguồn thu nhập chính của ngành ngân hàng gặp khó khi mà tín dụng tăng chậm và tình hình nợ xấu tăng cao khiến các ngân hàng tăng trích lập dự phòng.
Các hoạt động ngoại bảng được nhiều doanh nghiệp chú trọng, nhiều doanh nghiệp đã báo lãi lớn nhờ những hoạt động ngoài lãi.
Hoạt động mua bán kinh doanh chứng khoán là một trong những hoạt động giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu và giảm thiểu rủi ro. Thêm nữa, ngân hàng có thể linh hoạt trong việc mua bán chứng khoán tận dụng các cơ hội thị trường.
Nhìn lại kết quả kinh doanh cho thấy, không phải ngân hàng nào cũng có kết quả kinh doanh tốt ở khoản mục này. Nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả đi lùi so với cùng kỳ và thậm chí báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, vẫn có những cái tên lội ngược dòng, gây bất ngờ trong nửa đầu năm 2024. Trong khi MB dẫn đầu với kết quả vượt trội thì nhiều ông lớn như Vietinbank, Vietcombank ghi nhận kết quả kém khả quan.
MB – nhà vô địch không đối thủ
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, mã: MBB) đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội trong lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh (CKKD). Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, MB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 10.726 tỷ đồng, tăng 5,28% so với cùng kỳ.
Điều đáng chú ý là trong khi các hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn, MB lại thành công rực rỡ trong lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh, với lợi nhuận đạt 1.412 tỷ đồng, tăng vọt gấp 8,85 lần so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, MB vươn lên dẫn đầu ngành, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh.
Nửa đầu năm 2024, MBBank đã giảm đến 72% tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, còn 12.308 tỷ đồng. Các khoản đầu tư của MB chủ yếu nhắm đến thị trường chưa niêm yết, chiếm đến 91% tổng giá trị đầu tư.
BIDV – á quân đầy nỗ lực
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) cũng ghi nhận kết quả khả quan trong lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm của BIDV đạt 12.450 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.
Dù hoạt động kinh doanh cốt lõi chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3,26%, nhưng nhờ vào chiến lược đầu tư khôn ngoan, BIDV đã đạt lợi nhuận từ mua bán chứng khoán kinh doanh lên tới 246 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, giúp ngân hàng này giành vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng.
Đáng chú ý, BIDV đã gia tăng đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, với tổng giá trị đạt 8.185 tỷ đồng, trong đó 87% là chứng khoán nợ.
ACB – ổn định vị thế Top 3
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ACB báo lãi 155 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ. ACB duy trì được vị thế trong top 3, vượt qua nhiều đối thủ như Techcombank, Vietinbank, và Vietcombank.
Mặc dù vậy, trong quý II/2024, ACB báo lỗ 41 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán kinh doanh và lỗ 14 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ báo lãi.
ACB chủ yếu tập trung vào chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành với giá trị đầu tư đạt 4.000 tỷ đồng được giữ nguyên từ đầu năm. Tính tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, ACB đã giảm 14,6% so với đầu năm, xuống còn 6.125 tỷ đồng tại ngày 30/6.
Top 10 ngân hàng có lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cao nhất |
Techcombank – tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) là một trong số ít các ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt 12.546 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, đánh dấu mức lãi kỷ lục trong lịch sử ngân hàng.
Trong lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh, Techcombank đã báo lãi gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 80 tỷ đồng. Qua đó, ngân hàng này trở thành một trong những số ít ngân hàng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ ở khoản mục này.
Trong nửa đầu năm 2024, Techcombank tăng mạnh gấp 13,7 lần đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, đạt 4.142 tỷ đồng vào ngày 30/6. Ngược lại, ngân hàng này bất ngờ giảm 4.131 tỷ đồng trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành.
Vietinbank, Vietcombank ghi nhận kết quả đi lùi
Không phải tất cả các ngân hàng đều ghi nhận kết quả tích cực trong hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh. Những “ông lớn” như Vietinbank, Vietcombank... đã gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2024.
SeABank (SSB) chỉ đạt 69 tỷ đồng lợi nhuận từ CKKD, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước, trong khi 6 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này đạt 202 tỷ đồng và xếp hạng 3 trong Top 10.
Một số ngân hàng lớn khác như Vietinbank (CTG) cũng ghi nhận kết quả không mấy khả quan. Vietinbank cũng không tránh khỏi tình trạng này khi thu lời 63 tỷ đồng, giảm mạnh so với 230 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Vietcombank (VCB) ghi nhận mức lãi chỉ đạt 22 tỷ đồng từ CKKD, giảm tới 75% so với cùng kỳ, mặc dù ngân hàng đã đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng vào chứng khoán, phần lớn là trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành.
ABBank (ABB) ghi nhận kết quả đi ngang với lợi nhuận đạt 6 tỷ đồng, sau khi giảm 782 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán Chính phủ và chính quyền địa phương, và tăng gần 100 tỷ đồng vào chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn