Lộ diện thêm loạt đại gia trong ngành ngân hàng Việt Nam

Lộ diện thêm loạt đại gia trong ngành ngân hàng Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã công bố danh sách các cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, có nhiều cá nhân kín tiếng được báo cáo sở hữu lượng lớn cổ phần ngân hàng.

Tại VPBank, bên cạnh các lãnh đạo trong HĐQT, Ban Tổng giám đốc cùng người thân đã được công bố lượng nắm giữ từ lâu, danh sách mới công bố có 5 cá nhân tương đối kín tiếng, không có mối quan hệ trực tiếp với các lãnh đạo của VPBank, gồm: ông Trần Ngọc Trung (nắm 305,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,85% vốn), bà Trần Ngọc Lan (năm 309,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,9% vốn), ông Lê Việt Anh (nắm 280 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,53% vốn), bà Lê Minh Anh (nắm 214,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,71% vốn) và ông Nguyễn Mạnh Cường (nắm 111,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,45% vốn).

Với tổng cộng gần 1,225 tỷ cổ phiếu VPB, tương đương khoảng hơn 15% vốn của ngân hàng, số cổ phiếu VPB mà 5 người này nắm giữ hiện có giá thị trường khoảng gần 22.500 tỷ đồng (gần 900 triệu USD) chiếu theo mệnh giá ngày 26/7.

VPBank không công bố thông tin chi tiết của các cá nhân trên. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Trung trùng tên với con trai ông Trần Ngọc Bê - anh rể Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của người liên quan ông Trần Ngọc Trung cũng gián tiếp xác nhận mối quan hệ này.

Ông Lê Việt Anh và bà Trần Ngọc Lan có thể là 2 trong số 3 người đã tham gia mua trong đợt phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu VPB tháng 9/2017. Sau đợt phát hành đó, 2 cá nhân này cùng 1 nhà đầu tư khác là bà Nguyễn Phương Hoa sở hữu gần 11,6% cổ phần VPBank. Ngoài ra, bà Trần Ngọc Lan cũng trùng tên với con gái của ông Trần Ngọc Bê và người liên quan của bà Lan cũng đang sở hữu gần 14,5% cổ phần VPBank.

Về ông Nguyễn Mạnh Cường, vào tháng 6/2018, thông tin công bố trên VSD cho thấy một cá nhân tên Nguyễn Mạnh Cường đã mua 2,2% cổ phần VPBank từ Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm.

Tại OCB, ngoài các cổ đông là lãnh đạo cấp cao và người liên quan, OCB còn có 1 cổ đông "bí ẩn" khác với rất ít thông tin về danh tính là ông Nguyễn Đức Toàn sở hữu hơn 74,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,637% vốn điều lệ ngân hàng. Người liên quan đến ông Toàn cũng sở hữu tới hơn 77,7 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 3,784% vốn điều lệ. Tổng cộng, nhóm cổ đông này đang nắm giữ 152,4 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 7,421% cổ phần ngân hàng này.

Ước tính theo giá đóng cửa cổ phiếu OCB ngày 26/7 là 14.800 đồng/cp, số cổ phiếu OCB mà nhóm cổ đông này nắm giữ có giá trị 2.255 tỷ đồng, riêng ông Toàn là 1.150 tỷ đồng.

Tại MSB, cá nhân duy nhất sở hữu trên 1% cổ phần tại ngân hàng này là ông Nilesh Ratilal Banglorewala (sinh năm 1965). Ông này đang ở hữu 66,5 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 3,32% vốn điều lệ ngân hàng, tương đương giá trị thị trường 977 tỷ đồng.

Đây là lần đầu MSB công bố số lượng cổ phiếu mà ông Nilesh Ratilal Banglorewala nắm giữ. Trước đó, ông Nilesh Ratilal Banglorewala từng giữ chức Giám đốc khối tại MSB.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Các cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 01% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.

Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng yêu cầu Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

Cũng tại Luật các TCTD (sửa đổi), khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.

Trước đó, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).

Hiện nay, lượng cổ phần đang lưu hành của các ngân hàng hầu hết đều ở mức trên 1 tỷ đơn vị, với ngân hàng ít nhất là Saigonbank cũng đang có gần 340 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, việc nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên đồng nghĩa cá nhân đó sở hữu khối tài sản có giá trị ít nhất vào khoảng 40 – 50 tỷ đồng.

Xem thêm tại cafef.vn