Lộ diện TOP 10 ngân hàng sẽ có vốn điều lệ cao nhất sau kế hoạch tăng vốn 2024
Cuộc đua tăng vốn điều lệ năm nay của nhóm ngân hàng đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh nhóm ngân hàng là một trong những ngành thúc đẩy nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán năm nay.
Đến nay, bức tranh tăng vốn điều lệ của các ngân hàng đã lộ diện tương đối rõ ràng. Năm 2024, có 23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng. Nếu đúng như dự kiến, đây là con số lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Trong đó TOP 10 ngân hàng vốn điều lệ cao nhất toàn thị trường dần lộ diện, với VPBank đứng No.1. Danh sách tiếp diễn gồm VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Techcombank (TCB), MBBank (MBB), Agribank, ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và HDBank (HDB).
Ấn tượng HDBank và SHB
Lọt TOP 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống sau kế hoạch tăng vốn năm 2024 là HDBank và SHB.
Năm nay, HDB rất chiều lòng cổ đông khi trở thành ngân hàng trả cổ tức cao nhất với tỷ lệ chi trả 30%. Trong đó, theo kế hoạch, HDBank sẽ chi 10% cổ tức bằng tiền mặt để cổ đông nhận "tiền tươi thóc thật", số còn lại 20% trả bằng cổ phiếu.
HDB là ngân hàng luôn thực hiện truyền thống chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao và vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt nhờ kiên định với chiến lược phát triển bền vững, chuyển đổi số toàn diện và tăng trưởng xanh.
Năm 2023 HDBank báo lãi trước thuế hơn 13.000 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 11 liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng. Tổng tài sản cũng gia tăng mạnh mẽ, vượt 602.300 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 29.076 tỷ đồng, vốn hóa đạt xấp xỉ 70.200 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn năm 2024, vốn điều lệ HDBank dự kiến vượt 35.100 tỷ đồng.
Bản thân cổ phiếu HDB cũng đã tạo được sức hút với nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài với thanh khoản tăng mạnh. Bình quân 10 phiên giao dịch gần đây nhất, đều khoảng xấp xỉ 5,7 triệu cổ phiếu được trao tay mỗi phiên. Khối ngoại cũng tích cực mua gom với chuỗi nhiều phiên mua ròng liên tiếp.
SHB cũng âm thầm nhưng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ mảng kinh doanh cốt lõi. Thu nhập lãi thuần hàng năm của ngân hàng đều tăng mạnh, trong đó năm 2023 đạt 19.285 tỷ đồng.
Năm 2023, SHB cũng thực hiện tăng vốn từ 30.674 tỷ đồng lên 36.194 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn năm 2024, vốn điều lệ SHB sẽ đạt xấp xỉ 40.600 tỷ đồng.
Vị trí No.1 vẫn thuộc về VPBank
Chưa có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024, nhưng VPBank (VPB) vẫn sẽ là ngân hàng đứng vị trí No.1 về vốn điều lệ trên thị trường tài chính Việt Nam sau khi các nhà băng khác thực hiện tăng vốn xong theo kế hoạch.
Hiện tại vốn điều lệ của VPBank ở mức 79.639 tỷ đồng. Ngay từ năm 2023 VPBank đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn từ thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Từ đó đến nay, VPBank đã duy trì khoảng cách rất xa với các ngân hàng còn lại.
Năm 2024, thực tế VPBank cũng sẽ có đợt tăng vốn nhẹ bằng hình thức phát hành khoảng 30 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Giá bán ESOP được xác định 10.000 đồng/cổ phiếu.
Techcombank tiên phong tăng vốn khủng
Techcombank (TCB) là cái tên tiên phong trong việc tăng vốn "khủng" năm nay với việc vừa công bố ngày chốt quyền để phát hành hơn 3,52 tỷ cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên 70.450 tỷ đồng.
Với mức vốn điều lệ này, Techcombank đang tạm vươn lên vị trí No.2. Nhưng khi các ngân hàng khác thực hiện xong kế hoạch tăng vốn năm 2024, Techcombank vẫn sẽ duy trì được vị trí No.5 trên bảng xếp hạng.
Big4 không đứng ngoài cuộc chơi. Sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn năm 2024, Vietinbank (CTG) vẫn sẽ vươn lên giành lại vị trí No.2 hiện tại tạm thời sắp do Techcombank nắm giữ. Vietinbank dự kiến dùng toàn bộ 25.448 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại của năm 2022 và 2023 để tăng vốn bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, sau phát hành, sẽ nâng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ đồng lên 79.148 tỷ đồng.
Vietcombank (VCB) dự kiến nâng vốn điều lệ lên 77.500 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức.
BIDV (BID) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 57.004 tỷ đồng lên 70.624 tỷ đồng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% và phát hành riêng lẻ 165 triệu cổ phiếu.
Năm nay, Agribank được Quốc hội XV chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ tối đa 17.100 tỷ đồng, dự kiến vốn điều lệ của Agribank tăng lên 51.500 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, nguồn tăng vốn điều lệ của Agribank được bố trí từ 6.753 tỷ đồng và 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương năm 2023 và 2024.
Các ngân hàng TMCP khác cũng đồng loạt tăng vốn, trong đó MBBank (MBB) lên rất nhiều kế hoạch tăng vốn, từ việc phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Dự kiến sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ đạt 61.643 tỷ đồng.
Sớm hơn cả Techcombank, ACB đã hoàn tất nâng vốn điều lệ lên mức 44.667 tỷ đồng thông qua phát hành 582,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 15%.
Triển vọng tốt hơn trong phần còn lại năm 2024
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KB Securities Vietnam (KBSV) mới ra báo cáo đánh giá ngành ngân hàng với triển vọng tích cực hơn trong 2 quý cuối năm 2024.
KBSV cho rằng tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 15% nhờ chủ trưởng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ kinh tế hồi phục, phân khúc khách hàng cá nhân sẽ đóng góp nhiều hơn vào động lực tăng trưởng trong nửa năm cuối 2024 và thị trường bất động sản (BĐS) sẽ tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.
Theo KBSV, một số ngân hàng như TCB, HDB, VPB có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội so với trung bình ngành cho vay lĩnh vực BĐS bao gồm cho vay phát triển dự án BĐS, vay mua nhà. Ngược lại, ở ACB, VIB, STB tín dụng chững hơn do cầu tiêu dùng tại phân khúc bán lẻ hồi phục chưa đáng kể.
Biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng có tín dụng được dẫn dắt bởi nhóm KHDN như TCB, HDB, LPB có mức NIM cải thiện tương đối tích cực. Trong khi các ngân hàng quốc doanh với vai trò đi đầu hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế và các ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ bị ảnh hưởng tăng trưởng trong quý I sẽ có NIM cải thiện với tốc độ chậm hơn.
Về chất lượng tài sản, suy giảm mạnh nhất tại MBB do phát sinh nợ xấu tại một công ty năng lượng, một số ngân hàng khác như VIB, HDB cũng ghi nhận nợ xấu tăng do các khoản vay mua nhà. Trong khi đó, TCB và VPB có NPL cải thiện nhờ đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong quý I.
Phần nợ xấu xử lý trong quý I của các ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi của KBSV thấp hơn 51% so với quý trước, nhưng vẫn ngang mức quý III/2023. Để duy trì bộ đệm an toàn, các ngân hàng trong danh mục theo dõi của KBSV cũng đã tăng thêm phần trích lập tăng. Dù vậy áp lực trích lập sẽ vẫn còn lớn do chúng tôi dự kiến các ngân hàng sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
KBSV đã nhìn thấy những dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối của quý II khi tín dụng tăng trưởng tốt hơn, các chỉ số vĩ mô có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực. KBSV kỳ vọng trong những quý tới năm 2024, chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tốt hơn, kỳ vọng tăng trưởng cả năm đạt 15%, NIM tiếp tục được cải thiện và nợ xấu có chuyển biến tích cực hơn.
Ngoài ra, với triển vọng dài hạn KBSV vẫn đánh giá ngành ngân hàng xứng đáng có mức định giá tốt hơn. Trong quý 1, P/B ngành tăng lên mức 1,7x, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh tương đối đưa P/B ngành quay trở lại mức 1,47x ở hiện tại, thấp so với mức trung bình 5 năm 1,7x. Các cổ phiếu được KBSV khuyến nghị bao gồm: VCB, ACB, STB, TCB, VIB.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn