Lộ diện Top thua lỗ quý 3/2024: Dẫn đầu là thành viên “nhà” Masan, Chứng khoán APG, Tisco… thậm chí “xoá bay” thành quả của nửa đầu năm
Theo thống kê BCTC quý 3/2024, tính đến hiện tại đã có gần 120 doanh nghiệp thua lỗ. Top 3 gọi tên các doanh nghiệp lớn như CTCP Masan High-Tech Materials (mã chứng khoán MSR), Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG), Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã chứng khoán TIS).
Dẫn đầu Top lỗ là Masan Hightech Materials (mã chứng khoán MSR) với lợi nhuận trước thuế -292 tỷ đồng, quý 3 năm ngoái Công ty lỗ 265 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, MSR lỗ tổng cộng 1.467 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ cùng kỳ.
Sau khi M&A thành công mỏ Núi Pháo, Masan được biết đầu tư mạnh vào mỏ khoáng sản này. Từ năm 2010 đến nay, số tiền Masan đổ vào Núi Pháo lên đến hàng tỷ đô, song doanh thu và lợi nhuận từ dự án Núi Pháo trong những năm qua vẫn chưa đem lại kết quả tương xứng.
Đỉnh điểm là năm 2023, dù doanh thu đạt 14.093 tỷ, song giá vốn cùng với chi phí lên cao khiến Công ty lỗ kỷ lục 1.575 tỷ đồng. Giải trình khoản lỗ kỷ lục năm 2023, MSR cho biết chi phí sản xuất ở Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (công ty con do Masan High-Tech Materials sở hữu 100% vốn) tăng cao và nhu cầu toàn cầu suy yếu trong năm 2023. Tập đoàn còn chịu ảnh hưởng bất lợi từ lãi suất tăng cao.
Đứng Top 2 về thua lỗ là Chứng khoán APG lỗ ròng đến 148 tỷ đồng, gần bằng mức lỗ lịch sử thiết lập ở quý 4/2022 . Với kết quả trên, APG hiện đang là CTCK lỗ đậm nhất ngành trong quý 3/2024.
Theo APG, nguyên nhân lỗ do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến lên mức 160 tỷ đồng. Theo đó, khoản lỗ trong quý 3 đã hoàn toàn xóa sạch thành quả đạt được trong nửa đầu năm, khiến APG chịu lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024 (cùng kỳ năm trước, Công ty lãi ròng gần 403 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản APG gần 2.730 tỷ đồng, gấp 1,5 lần đầu năm. Trong đó, khoản trả trước cho người bán tăng mạnh từ hơn 2 tỷ đồng lên 826 tỷ đồng. Đây là các khoản APG trả trước cho các bên gồm APG Holdings, Cụm CN APG, Eco HT, Đầu tư Bắc Vương và các người bán khác.
Danh mục tài sản tài chính FVTPL của APG chủ yếu là cổ phiếu niêm yết có giá trị hợp lý hơn 503 tỷ đồng, tạm lỗ 143 tỷ đồng. Công ty không công bố danh mục cổ phiếu niêm yết kỳ này.
Góp mặt Top 3 là Gang thép Thái Nguyên với mức lỗ hơn 84 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng, TIS cũng đã “xóa bay” toàn bộ lãi kiếm được nửa đầu năm 2024. Công ty lý giải rằng thị trường thép tiếp tục khó khăn với giá bán thép giảm sâu, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào giảm ít hơn, dẫn đến lỗ gộp trung bình 18.253 đồng/tấn chưa bao gồm chi phí khác.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, TIS đạt doanh thu 7.644 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ gần 80 tỷ - cải thiện so với mức lỗ 194,35 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Kết quả này khiến TIS còn rất xa so với kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng cho cả năm 2024.
Ngoài ra, Top lỗ còn gồm nhiều đơn vị khác như VKC Holdings (mã chứng khoán VKC), Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (mã chứng khoán TIN)…
Điều đáng chú ý, một số công ty ngành than, cảng biển quý 3 năm nay thua lỗ do ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Đơn cử, Vilacera Hạ Long (mã chứng khoán VHL) thua lỗ hơn 26 tỷ trong quý 3/2024 – cao gấp gần 4 lần số lỗ cùng kỳ. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân tăng lỗ trong quý 3 là do doanh nghiệp đã hạch toán chi phí sửa chữa, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp phát sinh khoản chi phí khắc phục bão Yagi hơn 10,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc trích lỗ của công ty liên kết tăng so với cùng kỳ và tăng chi phí bán hàng do trích trước chi phí hỗ trợ tiêu thụ năm.
Tương tự, Than Núi Béo (mã chứng khoán NBC) kinh doanh dưới giá vốn nên thua lỗ gộp 63 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 117 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, NBC lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân do thời tiết bất lợi, mưa lớn dài ngày, đặc biệt là trong tháng 9, doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn từ cơn bão số 3, khiến Công ty phải dừng sản xuất dài ngày, chất lượng than sản xuất giảm, công tác tiêu thụ than giảm.
Ở nhóm cảng biển, Vận tải biển Vinaship (mã chứng khoán VNA) mặc dù ghi nhận doanh thu tăng nhưng doanh nghiệp vẫn chịu lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng. Đây là mức lỗ nặng nhất từ năm 2020 đến nay của doanh nghiệp ngành vận tải biển này.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, ngoài nguyên nhân do biến động thị trường, hoạt động khai thác tàu còn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, bão Yagi làm tê liệt nhiều hoạt động của cảng và chuỗi logistic hàng hóa. Việc này khiến các tàu xếp hàng xi măng của Công ty trong tháng 9 bị thiệt hại hàng chục ngày, do không điều động được hàng từ nhà máy ra cảng xếp dỡ.
Xem thêm tại cafef.vn