Lo “lợi ích nhóm” trong kinh doanh xăng dầu

Ảnh minh họa.
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang gây nhiều tranh cãi.

Lo ngại phân biệt đối xử

Theo đó, nhóm doanh nghiệp này cho rằng, những quy định được Bộ Công thương đề xuất tại Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu (lần thứ 4) thể hiện sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế cho doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), đại diện cho Nhóm doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu nêu trong đơn rằng: “Dự thảo Nghị định phân biệt và hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, liệt kê cho doanh nghiệp đầu mối đầy đủ và nhiều nhất các quyền kinh doanh (7 quyền), doanh nghiệp phân phối chỉ có 3 quyền, còn doanh nghiệp bán lẻ không có quyền, mà chỉ có nghĩa vụ”.

Khi thị trường kinh doanh xăng dầu biến động, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn, trong khi doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp siêu lớn vẫn kinh doanh có lãi lớn nhờ vị thế thống lĩnh thị trường. Nếu tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp lớn, sẽ dẫn đến hậu quả là thị trường xăng dầu bị thôn tính bởi doanh nghiệp lớn và siêu lớn.

Chúng tôi cam kết lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, đơn giản hóa những thủ tục có thể, song vẫn phải đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước. Quan điểm của Ban Soạn thảo là tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Dự thảo nghị định còn quy định doanh nghiệp đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ doanh nghiệp đầu mối khác, trong khi đó, doanh nghiệp phân phối lại chỉ được mua từ một nguồn duy nhất là doanh nghiệp đầu mối, không được mua bán với nhau.

“Bối cảnh hiện nay, khi một phần nguồn cung xăng dầu được sản xuất trong nước, thì tại sao vẫn quy định chỉ có doanh nghiệp đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước, mà doanh nghiệp phân phối lại không được”, Nhóm doanh nghiệp này đặt câu hỏi.

Cần phải nói thêm, Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp phân phối được mua xăng dầu từ doanh nghiệp phân phối khác. Do đó, các doanh nghiệp này băn khoăn: “Theo xu hướng mở cửa thị trường, đáng lẽ Dự thảo Nghị định phải tiếp tục duy trì như vậy, thì tại sao lại hủy bỏ, quy định hạn chế hơn”.

Với cách thức quy định về quyền kinh doanh như Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, doanh nghiệp đầu mối sẽ nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo thị trường, vô hình trung biến các doanh nghiệp còn lại rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê. 

Trong khi đó, Luật Cạnh tranh 2024 nêu rõ, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85% thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Thực tế, từ nhiều năm qua, trên thị trường xăng dầu có 1 doanh nghiệp siêu lớn, chiếm tới 51% thị phần, có đủ các quyền kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt, có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng.

“Như vậy, rõ ràng nước ta đang không có thị trường xăng dầu đúng nghĩa với cơ chế cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng”, Nhóm doanh nghiệp nêu quan điểm.

Mong muốn giảm độc quyền

Trước hàng loạt vấn đề còn chưa thỏa đáng, Nhóm doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ có liên quan, đặc biệt Bộ Công thương xem xét sửa đổi Nghị định với tinh thần đổi mới về phương thức và cơ chế quản lý, điều hành thị trường xăng dầu theo hướng bảo đảm sự tuân thủ đúng khung khổ pháp luật hiện hành.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp lớn và siêu lớn, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính, phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Nhóm doanh nghiệp nêu trong văn bản kiến nghị.

Trên hết, cần bỏ cách quy định phân loại doanh nghiệp, mà thay vào đó quy định đối tượng điều chỉnh của Nghị định là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung với các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với hoạt động kinh doanh cụ thể như: điều kiện kinh doanh nhập khẩu, điều kiện và tiêu chuẩn kho xăng dầu, điều kiện và tiêu chuẩn phương tiện vận chuyển xăng dầu, điều kiện và tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ, điểm bán xăng dầu.

Cùng với đó, cho doanh nghiệp phân phối được mua xăng dầu của doanh nghiệp phân phối khác như Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

Lý giải về quy định không cho phép các doanh nghiệp phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, qua công tác thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp phân phối cũng bộc lộ một số điểm cần chấn chỉnh. Nếu cho phép doanh nghiệp phân phối được mua hàng của nhau, sẽ tạo ra tầng lớp trung gian, làm tăng chi phí và giảm chiết khấu. Chưa kể, tạo tiêu thụ ảo, khiến cơ quan quản lý nhà nước không nắm được để có cơ sở điều hành.

“Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh”, bà Hiền nói thêm.

Xem thêm tại baodautu.vn