Bức tranh tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không mấy khả quan trong những năm gần đây. Ảnh: Kỳ Phương |
Theo đó, ngày 30/3/2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Hãng Kiểm toán AASC.
So với báo cáo tự lập được công bố trước đó, doanh thu hợp nhất năm 2023 của HBC không có chênh lệch lớn, đạt 7.537 tỷ đồng (giảm 47% so với năm trước). Vậy nhưng, lỗ sau thuế sau kiểm toán đã tăng thêm 333 tỷ đồng, ghi nhận con số 1.115 tỷ đồng.
Do đó, lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu (VCSH) của tập đoàn này xuống còn 93 tỷ đồng thay vì 453,6 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập.
Giải thích về vấn đề này, HBC cho biết, có 4 nguyên nhân chính. Một là theo báo cáo quản trị (BCQT), giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong báo cáo tài chính kiểm toán (BCTCKT) được ghi nhận theo giá gốc.
Thực tế, thị trường địa ốc ở Việt Nam có sự biến động gia tăng giá liên tục trong nhiều năm. Cách ghi nhận này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 bản báo cáo, như trụ sở 235 Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận trên sổ sách 5 tỷ đồng nhưng giá giao dịch trên thị trường không dưới 75 tỷ đồng.
Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của Hòa Bình trong BCTCKT cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nhiều tài sản cố định thậm chí không được đưa vào định giá VCSH.
Theo BCQT thì giá trị bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.789 tỷ đồng trong khi theo BCTCKT chỉ ghi nhận 2.470 tỷ đồng.
Hai là, giá trị còn lại của máy móc thiết bị (MMTB) được ghi nhận trong BCTCKT không phù hợp với thực tế bởi 2 lý do chính: Giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đáng kể đến giá trị còn lại của MMTB. Nhiều MMTB đã khấu hao hết và ghi nhận trong sổ sách bằng 0 nhưng thực tế vẫn còn hoạt động rất tốt.
Mặt khác, giá mua mới hiện nay trên thị trường cao hơn nhiều so với nguyên giá cho nên sự chênh lệch về giá trị còn lại của MMTB cũng rất lớn giữa 2 bản báo cáo, sự chênh lệch này lên đến 1.024 tỷ đồng.
Ba là, các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, theo BCQT căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình… về hoạt động kinh doanh của khách hàng cùng những đặc thù về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của Hoà Bình. Theo lịch sử, chưa bao giờ HBC xóa sổ bất kỳ khoản phải thu nào. Phần hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi cụ thể có sự chênh lệch là 1.450 tỷ đồng.
Bốn là, tăng các khoản phải thu theo phán quyết của tòa sẽ làm tăng VCSH. Lịch sử kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm (theo qui định đã lập dự phòng 100%) của FLC, HBC thu hồi được 100% nợ gốc mà còn thu cả lãi và phạt có giá trị lên đến trên 58% nợ gốc. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của toà là 652 tỷ đồng
“Hiện nay, HBC đang làm việc với đơn vị chuyên về thẩm định giá để rà soát lại số liệu tính toán của Khối tài chính kế toán nhằm bảo đảm sự khách quan trong kết quả tính toán”, phía HBC thông tin. |