Vingroup thành lập công ty phát triển người máy

Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa thông qua việc góp 51% vốn thành lập Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển và ứng dụng Người máy đa năng VinMotion. Vốn điều lệ dự kiến của doanh nghiệp này là 1.000 tỷ đồng.

Việc thành lập VinMotion là động thái tiếp theo nối tiếp nhiều doanh nghiệp mới xuất hiện dưới sự góp vốn của Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, nhằm mở rộng hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao.

Từ đầu năm 2024, người đứng đầu Tập đoàn Vingroup đã lập ba doanh nghiệp để mở rộng hệ sinh thái xe điện. Tháng 3/2024, Công ty phát triển trạm sạc V-GREEN ra mắt với mục đích hỗ trợ VinFast tiến ra thị trường toàn cầu. Sau đó, Chủ tịch Vingroup tiếp tục lập Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ FGF (For Green Future) hoạt động trong lĩnh vực mua bán, cho thuê ôtô điện VinFast và VinDT - công ty dạy lái ôtô điện.

Loạt chuyển động mới tại Vingroup
Doanh thu các mảng kinh doanh chính của Vingroup trong 9 tháng năm 2023 và 2024. Đồ họa: Minh Tuấn.

Cuối tháng 11, Vingroup thông báo thành lập Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển và Ứng dụng người máy VinRobotics với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Hai con trai ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng cũng góp vốn vào doanh nghiệp này.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực sản xuất và các hoạt động liên quan đứng thứ hai về quy mô doanh thu đóng góp cho Vingroup. Mảng này ghi nhận gần 28.200 tỷ đồng trong 9 tháng, chỉ đứng sau lĩnh vực kinh doanh chuyển nhượng bất động sản (65.260 tỷ đồng). Quy mô doanh thu cũng mảng này cũng là bộ phận có tăng trưởng cao nhất trong các mảng kinh doanh của Vingroup, đạt hơn 55%.

Tính tới cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của riêng lĩnh vực sản xuất ghi nhận hơn 171.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, VinBrain - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Vingroup - vừa được Nvidia mua lại.

Giám đốc phụ trách thuế của Nvidia, ông Mark Steven Hoose, vừa được bầu giữ chức Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của VinBrain.

Cổ đông lớn giảm sở hữu

Cùng thời điểm công bố thông tin thành lập doanh nghiệp mới, cổ đông lớn SK Investment Vina II cũng thông báo giảm sở hữu tại Vingroup.

SK Investment Vina II, quỹ thành viên của SK Group - tập đoàn kinh tế đa ngành đứng thứ ba tại Hàn Quốc, thông báo sẽ chuyển nhượng hơn 50,8 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup, giảm sở hữu từ 6,05% xuống 4,72% và không còn là cổ đông lớn.

Năm 2019, SK Group đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Vingroup, đầu tư khoảng 1 tỷ USD để mua cổ phiếu và sẽ trở thành đối tác chiến lược. Thời điểm đó, tập đoàn này đã mua hơn 154 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu từ VinCommerce (nay là WinCommerce).

Loạt chuyển động mới tại Vingroup
VinFast là doanh nghiệp chủ chốt trong mảng công nghiệp của Vingroup.

Cũng theo thông báo từ SK Investment Vina II, giao dịch thoái vốn tại Vingroup được thực hiện theo phương thức thoả thuận trong khoảng thời gian từ 16/1-14/2/2025 với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Với phương thức này, nhiều khả năng quỹ thành viên của SK Group đã tìm được đối tác nhận chuyển nhượng.

Trước thương vụ thoái vốn khỏi Vingroup, cuối năm 2024, SK Group đã chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu MSN của Masan Group thông qua phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại MSN là 3,67% vốn điều lệ và qua đó không còn là cổ đông lớn tại MSN. Bên mua chưa được tiết lộ./.

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết, SK Investment Vina II bán cổ phần lần này đã nằm trong chiến lược hoạch định lại danh mục đầu tư của đối tác tại các thị trường quốc tế nói chung.

"SK vẫn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng thị trường Việt Nam nói chung và Vingroup nói riêng với đa dạng cơ hội kinh doanh và vị thế dẫn dắt trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Đối với Vingroup, SK vẫn là đối tác quan trọng. Hai bên vẫn đang trao đổi về một số cơ hội hợp tác nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển trong thời gian tới", CEO Vingroup thông tin thêm.