Loạt cổ phiếu penny tăng trần phiên thị trường mất mốc 1.200
Phiên ngày 17/4, thị trường chứng khoán ghi nhận biến động mạnh, VN-Index giảm 22,67 điểm, chính thức mất mốc 1.200. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ, trạng thái tiêu cực diễn ra ở nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí, hóa chất, dịch vụ, du lịch và giải trí.
Song, ngược dòng thị trường, nhiều cổ phiếu penny vẫn tăng trần như VFG, CCI, QCG, NHT, SMC, TTE, PSH, KPF, QBS, HGM, UNI, DPC, TDH…
Cổ phiếu VFG của Khử trùng Việt Nam hầu như đi ngang trong 2 tháng qua. Phiên ngày 17/4 bất ngờ tăng trần sau thông tin lãi quý I đạt 79 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu QCG nối dài chuỗi tăng giá từ đầu tháng 3 bất chấp thị trường điều chỉnh trong các phiên gần đây lên 16.700 đồng/cp. Doanh nghiệp vừa nhận được phán quyết của Tòa án Nhân dân TP.HCM phải trả 2,882,8 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan do liên đới vụ án Bắc Phước Kiển.
Các cổ phiếu khác như KPF, OGC, QBS, PSH… bật tăng trở lại sau chuỗi giảm giá trước đó. Đặc biệt, cổ phiếu PSH Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu – NSH Petro (mã: PSH) đã có 5 phiên giảm sàn liên tiếp trước khi tăng trần phiên trước kỳ nghỉ lễ.
Công ty đã có văn bản giải trình cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp vào ngày 16/4. Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT cho biết nguyên nhân là do cổ phiếu bị bán giải chấp, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng lên giá giao dịch cổ phiếu PSH trên thị trường.
Từ ngày 10/4 đến 12/4, Chủ tịch HĐQT công ty đã bị bán giải chấp hơn 2 triệu cổ phiếu PSH. Sau giao dịch, ông Huy còn sở hữu 75,3 triệu cổ phiếu, tương đương 59,69% vốn NSH Petro.
Đà giảm giá của cổ phiếu PSH đến từ việc doanh nghiệp đang đối mặt với các khoản nợ ngân sách lớn và bị đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ, nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Việc này đã khiến cổ phiếu công ty bị rơi vào tình trạng cảnh báo từ 10/4. Tại văn bản giải trình và đưa ra lộ trình khắc phục, doanh nghiệp cho biết đã ký hợp đồng chấp thuận khoản vay với đối tác là Tổ chức tài chính Acuity Funding, tài trợ vốn cho các dự án trong và ngoài địa bàn tỉnh Hậu Giang của NSH Petro. Tính đến ngày 8/4, công ty đã hoàn tất thủ tục định giá các tài sản đảm bảo cho khoản vay, theo kế hoạch Acuity Funding sẽ giải ngân 290 triệu USD trong quý II.
Nguồn tài trợ dài hạn 20 năm của Acuity Funding sẽ hỗ trợ cho công ty trong việc tái cơ cấu thanh lý các khoản nợ thuế, nợ quá hạn, nợ trái phiếu còn tồn đọng hiện nay. Từ đó, công ty cho biết các vấn đề về cưỡng chế thuế và hàng hóa gửi tại Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương sẽ được khắc phục tại kỳ báo cáo 30/6 năm nay.
Sau khi khắc phục, Cục thuế gỡ cưỡng chế hóa đơn, khi đó, công ty sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh và xuất hóa đơn bán hàng đầy đủ theo quy định.
Cổ phiếu TDH của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức cũng có chuỗi giảm giá từ vùng 6.000 đồng/cp về 3.560 đồng/cp từ tháng 9/2023 đến nay. Phiên ngày 17/4, mã TDH tăng gần hết biên độ lên 3.750 đồng/cp. Thông tin gần nhất về doanh nghiệp là ông Đàm Mạnh Cường, Tổng Giám đốc xin từ nhiệm do nhận thấy bản thân không đáp ứng được những tiêu chí mà HĐQT mới yêu cầu (tháng 8/2023, công ty đã có sự thay đổi về cổ đông lớn và các thành viên HĐQT mới).
Thị trường chứng khoán đã có 3 phiên giảm liên tiếp, VN-Index mất gần 84 điểm. Theo SSI Research, các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX vẫn ở vùng tiêu cực ngắn hạn, trong đó ADX có tín hiệu nhẹ thể hiện sức mạnh xu hướng giảm suy yếu. Qua đó, VN-Index có thể dần phục hồi nhẹ và quay trở lại mốc 1.210.
Xem thêm tại nhadautu.vn