CTCP Lâm Nông sản thực phẩm Yên Bái (mã CAP) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022-2023 với tỷ lệ 100% vào ngày 19/3. Theo đó, công ty sẽ trả cổ tức 50% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.000 đồng, thời gian thanh toán dự kiến ngày 30/5.

Bên cạnh đó, CAP dự kiến phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 50 cổ phiếu mới. 

Với lượng lớn cổ phiếu đang nắm giữ, nhà ông Trương Ngọc Biên, Chủ tịch HĐQT có thể nhận về 14,3 tỷ đồng tiền mặt và sở hữu thêm hơn 1,4 triệu cổ phiếu CAP.

Nông sản thực phẩm Yên Bái được thành lập năm 1972, có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng. Đây cũng là số ít doanh nghiệp trả cổ tức khủng trên sàn. 

Trong niên độ 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022-30/9/2023), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 611 tỷ đồng, lãi sau thuế 114 tỷ. Mảng giấy đế và vàng mã lần lượt đem về 191 tỷ và 68 tỷ đồng. Một mảng khác có doanh thu lớn của CAP là tinh bột sắn với 404 tỷ đồng.

So với nhiều doanh nghiệp lớn như Hoà Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh, Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang,... giá cổ phiếu của CAP đang cao hơn. Chốt phiên 13/3, cổ phiếu CAP ở mức 99.700 đồng/cp.

đốt vàng mã.jpeg
Doanh nghiệp vàng mã trên sàn. Ảnh: Minh Hoàng

Trên thị thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng chia cổ tức khủng khác như CTCP Bến xe Miền Tây (mã WCS) chốt tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 144%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 14.400 đồng, cao hơn so với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Hay như Mía đường Sơn La (SLS) từng trả cổ tức tỷ lệ 150% (1 cổ phiếu nhận về 15.000 đồng). 

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lớn trả cổ tức rất thấp, nợ cổ tức, thậm chí nhiều năm không trả cổ tức. CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) công bố lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền các năm 2016-2017 sang 31/12/2024 với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. CTCP Sông Đà 9 (SD9) nợ cổ tức nhiều năm liền, đây là lần thứ 8 doanh nghiệp này lùi lịch trả cổ tức 2017. Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh nhiều năm không trả cổ tức. 

Tin doanh nghiệp niêm yết

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. 

* FPT: CTCP FPT quyết định bổ nhiệm ông Phạm Minh Tuấn giữ vị trí Phó Tổng giám đốc từ ngày 13/3. Đồng thời, ông Tuấn vẫn tiếp tục kiêm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc FPT Software, công ty thành viên của FPT.

* GMD: CTCP Gemadept thông qua phương án phát hành hơn 4,58 triệu cổ phiếu ESOP, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

* HAX: CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco) lên kế hoạch năm 2024 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 200 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với thực hiện của năm ngoái (đạt 48,1 tỷ đồng).

*VRC: CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 6 - 12/3, do diễn biến khách quan và phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu VRC nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

* ABB: Ông Nguyễn Danh Lương, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình, đã mua 100.000 cổ phiếu. Thời gian giao dịch từ 4/3-6/3. Ông Lương đang nắm giữ 465.382 cổ phiếu, tỷ lệ 0,04%. 

* NLG: Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp, cổ đông của CTCP Đầu tư Nam Long, đã bán toàn bộ hơn 1,7 triệu cổ phiếu trong ngày 12/3.

* EVS: Ông Nguyễn Thành Chung, Ủy viên HĐQT CTCP Chứng khoán Everest, đã bán ra 200.000 cổ phiếu từ ngày 1/3-8/3. 

* DHT: Aska Pharmaceutical Co.,Ltd, cổ đông lớn của CTCP Dược phẩm Hà Tây, đã mua vào hơn 1,08 triệu cổ phiếu từ ngày 27/2-5/3. Tổ chức này đang nắm giữ hơn 28,81 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 34,99%.

* SIP: Bà Huỳnh Ngọc Như, Trưởng ban kiểm soát CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, đã bán ra 100.000 cổ phiếu từ ngày 15/2-11/3 theo phương thức khớp lệnh. 

VN-Index

Chốt phiên 13/3, VN-Index tăng 25,51 điểm (+2,05%), lên 1.270,51 điểm. HNX-Index tăng 4,17 điểm (+1,78%), lên 238,2 điểm. UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,84%), lên 91,53 điểm

Theo Chứng khoán SHS, xét dưới góc nhìn ngắn hạn, phiên hồi phục mạnh và trở lại đỉnh ngắn hạn sau hai phiên điều chỉnh mạnh mở ra khả năng VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm trong các phiên tới hướng tới ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm.

SHS vẫn duy trì quan điểm sau khi kết thúc đà hưng phấn thì VN-Index sẽ điều chỉnh trở lại trong kênh giá 1.150-1.250 điểm, bởi nền tảng tích lũy là cơ sở cho uptrend chưa hình thành đủ tin cậy.

Công ty Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp, nhưng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.268 điểm.

Đồng thời, thị trường có thể sẽ còn phân hóa trong giai đoạn này khi nhóm vốn hóa lớn có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong phiên tới, còn nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đang bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh trở lại cho thấy nhà đầu tư đang lạc quan trở lại.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược lướt sóng T+ đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành thu hút dòng tiền tốt và thanh khoản gia tăng ổn định. Các nhóm ngành đáng chú ý bao gồm chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bán lẻ.