Loạt doanh nghiệp họ dầu khí lãi lớn năm 2023
Theo Reuters, tính cả năm, giá dầu đã giảm hơn 10% và kết thúc năm ở mức thấp nhất kể từ 2020. Dầu Brent tại cuối năm ngoái ở mức giá 77,04 USD/thùng, dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 71,65 USD/thùng. Nhìn chung, giá dầu năm 2023 không có quá nhiều biến động mạnh như năm 2022 - thời điểm giá dầu có lúc chạm tới 120 USD/thùng.
Một số doanh nghiệp họ dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2023, với nhiều sự phân hóa. Nhìn chung, các công ty đều vượt xa kế hoạch thận trọng đặt ra từ đầu năm.
Nhóm thượng nguồn thắng lớn
CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) sở hữu nhà máy Dung Quất - một trong hai nhà máy lọc dầu của Việt Nam. Kết quả kinh doanh của BSR phụ thuộc nhiều vào sự biến thiên của giá dầu, nếu giá dầu thô đầu vào cao hơn sẽ làm cho crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) tăng lên, hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận.
Năm 2023, BSR ước đạt sản lượng hơn 7,35 triệu tấn sản phẩm (vượt 31% kế hoạch), cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại. Tổng doanh thu ước đạt gần 146.500 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch và giảm 12% so với mức kỷ lục năm 2022. Tính riêng quý IV, doanh thu rơi vào khoảng 41.000 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022.
Công ty chưa đưa ra con số lãi ước tính cả năm, chỉ cho biết vượt xa kế hoạch. Thực tế trong 9 tháng đầu năm, công ty đã lãi sau thuế khoảng 6.200 tỷ đồng.
Vào những ngày cuối năm, BSR đã nâng chỉ tiêu kinh doanh với tổng doanh thu tăng từ 95.645 tỷ ban đầu lên 145.102 tỷ đồng, tức tăng thêm gấp rưỡi. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cao gấp 3 lần sau điều chỉnh lên 4.868 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 60% ở mức 15.703 tỷ đồng.
Kế hoạch chia cổ tức cho năm 2023 cũng tăng từ 3% lên 7% (700 đồng/cp), tương ứng số tiền dự chi khoảng 2.170 tỷ đồng.
Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) ước tính năm 2023 sẽ đạt doanh thu 5.900 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước đó. Công ty ước lãi sau thuế 400 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 155 tỷ. Kết quả này vượt lần lượt 10% và 300% so với kế hoạch năm.
Kết quả của PVD tích cực hơn trong bối cảnh nguồn cung giàn khoan tại khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tính riêng quý IV, PVD ước Tính riêng quý IV, PVD lãi sau thuế 56 tỷ đồng và doanh thu 1.867 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 28% so với quý cuối năm 2022.
Năm 2024, PVD cho biết toàn bộ các giàn khoan thuộc sở hữu của công ty sẽ phục vụ các chiến dịch khoan tại thị trường nước ngoài. PVD sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh để mở rộng cung cấp và gia tăng thị phần dịch vụ tại thị trường khu vực Đông Nam Á và Trung Đông; nghiên cứu đầu tư thêm giàn khoan và máy móc thiết bị chuyên ngành; tăng cường quảng bá và cung cấp dịch vụ trọn gói tới các khách hàng nước ngoài cũng như mở rộng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo…
Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) là công ty chuyên thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong năm 2023, lần đầu tiên sau hơn 20 năm PVEP đã tìm ra và phát hiện các mỏ dầu khí mới, giúp gia tăng trữ lượng thêm 3,72 triệu tấn.
Về khai thác, sau hơn 10 năm sản lượng suy giảm, lần đầu tiên sản lượng khai thác của tổng công ty năm 2023 tương đương năm 2022.
Nhờ vậy, PVEP đạt doanh thu 41.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 21.000 tỷ. Đồng nghĩa tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu là 50%.
Hiện tại PVEP đang nghiên cứu, triển khai công tác phát triển một mỏ khác và phát hiện tiềm năng trữ lượng dầu khí. Công ty đang triển khai các công tác để cố gắng năm 2026 có dòng dầu đầu tiên.
Sản lượng PV GAS đạt đỉnh, PVTrans vượt hơn 100% kế hoạch
Đối với Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS), do giá khí được neo theo giá dầu FO nên giá dầu tăng sẽ trực tiếp thúc đẩy giá khí đầu ra của tổng công ty.
Năm 2023, PV GAS ước tính doanh thu hợp nhất đạt trên 93.000 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch và giảm gần 8% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 14.400 tỷ đồng, vượt 77% mục tiêu. Lợi nhuận sau thuế ước trên 11.500 tỷ đồng, giảm 24% so với năm ngoái song vượt 77% kế hoạch, tương đương gần 25% lợi nhuận toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tổng công ty đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 6.200 tỷ đồng, vượt 59% kế hoạch. Chỉ số ROA cả năm ước đạt trên 10%, ROE đạt trên 17%.
Tính riêng quý IV, PV GAS ước đạt 25.590 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái song lãi sau thuế giảm 26% còn 2.483 tỷ đồng.
Trong năm ngoái, tổng công ty đã sản xuất và tiêu thụ trên 85.000 tấn condensate, bằng 102% kế hoạch; kinh doanh khí LPG đạt gần 2,5 triệu tấn, vượt 39% mục tiêu và tăng 20% so với năm 2022, về đích trước kế hoạch 3 tháng và là năm có sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Mảng khí LNG đang được kỳ vọng là tâm điểm kinh doanh của PV GAS trong những năm tới, là nguồn bổ sung chủ yếu bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong nước. PV GAS đang làm việc với Chính phủ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án LNG như cam kết sản lượng mua khí, hay chuyển giá khí vào giá bán điện.
Ở diễn biến khác, giá dầu không có nhiều tác động trực tiếp lên hoạt động của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans - Mã: PVT), do các hợp đồng thuê tàu của doanh nghiệp này là định hạn, không yêu cầu sử dụng nguyên liệu.
PVTrans cho biết, từ đầu năm 2023, thị trường vận tải biển biến động liên tục, ghi nhận sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc vận tải. Trong nước, nền kinh tế từng bước phục hồi, kéo theo sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của PVTrans.
Doanh thu đạt 9.600 tỷ đồng, tăng 6% so với năm ngoái và tương đương 141% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.460 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.172 tỷ đồng, tăng nhẹ 16 tỷ so với năm ngoái và bằng 218% kế hoạch năm. Công ty nộp ngân sách nhà nước 486 tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ đạt 45%.
Như vậy tính riêng trong quý cuối năm, doanh thu của PVTrans ước khoảng 2.892 tỷ, lãi sau thuế 215 tỷ, lần lượt tăng 18% nhưng giảm 22% so với cùng kỳ.
Gần đây, giá cước vận tải đã tăng lên với các khoản phụ phí rủi ro phát sinh sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Các chuyên gia đánh giá căng thẳng tại các khu vực leo thang là một rủi ro tiềm năng khác đối với thị trường vận tải dầu khí toàn cầu vì nó có thể đột ngột làm gián đoạn các tuyến hàng hải quan trọng, ảnh hưởng đến sự cân bằng vốn đã rất mong manh của thị trường vận tải dầu khí kể từ khi khủng hoảng Ukraine xảy ra.
Do giá cước thuê tàu toàn cầu vẫn đang neo ở mức cao, PVTrans được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi khi gia hạn hợp đồng vận tải cho đội tàu của mình trong thời gian tới.
Sản lượng tiêu thụ năm 2023 của PV OIL cao nhất lịch sử
Trong phân khúc bán lẻ xăng dầu, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CPCT (PV OIL - Mã: OIL) đang chiếm thị phần thứ hai chỉ sau Petrolimex. PV OIL cho biết sản lượng tiêu thụ cả năm 2023 ước đạt mức cao nhất lịch sử hoạt động và về đích sớm 2 năm so với mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch phát triển giai đoạn 2020 - 2025.
Năm nay, công ty đã có sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng kinh doanh, đạt 5,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, hoàn thành 158% kế hoạch năm và tăng trưởng 28% so với năm 2022.
PV OIL ước tính doanh thu hợp nhất năm thứ hai liên tiếp vượt mốc 100.000 tỷ đồng, vượt 120% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 750 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái song hoàn thành 125% mục tiêu năm.
Tính riêng quý IV, PV OIL ước đạt 33.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng công ty dự kiến lỗ trước thuế 87 tỷ, trong khi quý IV/2022 lãi 285 tỷ, trong bối cảnh giá dầu giảm sâu trong quý cuối năm.
Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch 50.000 tỷ đồng doanh thu (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Xem thêm tại vietnambiz.vn