Loạt doanh nghiệp niêm yết khởi động 'game' IPO, bán vốn
Thương vụ Long Châu và Bách Hóa Xanh
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông mới diễn ra ngày 17/4, Lãnh đạo FPT Retail (Mã: FRT) tiết lộ về kế hoạch huy động vốn cho chuỗi dược phẩm Long Châu để mở rộng sang hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ chào bán cổ phần khoảng 10%.
Long Châu hiện là chuỗi bán lẻ thuốc lớn nhất Việt Nam với hơn 1.500 cửa hàng, chiếm khoảng 60-70% lượng bán của các nhà phân phối ở kênh cửa hàng thuốc hiện đại, tùy vào từng mặt hàng và từng thương hiệu.
Lãnh đạo doanh nghiệp ước tính nhà thuốc Long Châu hiện có quy mô doanh thu 1,1 tỷ đồng/tháng, gấp 5-8 lần doanh số các nhà thuốc tư nhân. Công ty không có ý định thay thế các mô hình quá nhỏ của nhà thuốc truyền thống, nơi có khoảng 45.000 điểm bán.
Nguồn tiền từ chào bán 10% cổ phần sẽ giúp công ty có thêm nguồn lực đầu tư dài hạn vào các hướng đi mới. Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp nói Long Châu định hướng trở thành công ty healthcare - một hệ sinh thái toàn diện về sức khoẻ trên nhiều lĩnh vực.
Đây là một thị trường lớn và nhiều tiềm năng. Công ty bán lẻ đã tham gia vào các phân khúc trung tâm tiêm chủng (quy mô thị trường 1-3 tỷ USD), chuỗi nhà thuốc (khoảng 7 tỷ USD), dịch vụ khám sức khỏe tại nhà 24/7, dịch vụ bảo đảm thuốc. Hai phân khúc còn thiếu trong hệ sinh thái là trung tâm chuẩn đoán (quy mô 1 tỷ USD) và điều trị (khoảng 10 tỷ USD).
Công ty bán lẻ này đặt mục tiêu sẽ mở mới thêm 400 cửa hàng Long Châu trong năm nay để đưa tổng số lên khoảng 1.900 điểm bán; đồng thời dự kiến phát triển 100 trung tâm vắc xin mới để hình thành hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Một đơn vị bán lẻ khác cũng vừa thực hiện đợt huy động vốn lớn là Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) với thương vụ chào bán riêng lẻ 5% cổ phần trong công ty Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (đơn vị quản lý chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh).
Tập đoàn cho biết không có nhu cầu chào bán cổ phần tối đa lên tới 20% như kế hoạch ban đầu. Sự thay đổi chiến lược này là do tình hình dòng tiền tích cực và kết quả kinh doanh của Bách Hóa Xanh liên tục cải thiện, đặc biệt là mục tiêu Bách Hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận sau thuế ở cấp độ công ty từ năm 2024.
CDH Investments (thông qua pháp nhân Green Bee 2 Private Limited) là bên mua cổ phần trong đợt này. MWG vẫn là cổ đông lớn nhất kiểm soát Bách Hóa Xanh, tiếp đến là CDH và ban lãnh đạo.
Lãnh đạo MWG tiết lộ đây là giao dịch phát hành cổ phần sơ cấp, dòng tiền sẽ đi trực tiếp vào công ty để tài trợ cho nguồn vốn lưu động, mở rộng cửa hàng và các kế hoạch phát triển trong dài hạn. Thương vụ được thực hiện qua hình thức đấu thầu cạnh tranh.
Ngoài việc cung cấp các khoản tài chính thì nhà đầu tư sẽ hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các đối tác và nhà bán lẻ trong khu vực và thế giới. Đối tác sẽ hỗ trợ công ty trong việc triển khai quản trị doanh nghiệp.
Bách Hóa Xanh là động lực tăng trưởng mới của MWG, tập đoàn cho biết sẽ mở mới 100 cửa hàng và chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng năm sau, mục tiêu chính là tập trung vào tăng trưởng doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài nói thêm công ty chưa có bất kỳ kế hoạch gọi thêm vốn vì không có nhu cầu. Bách Hoá Xanh đã bước sang giai đoạn không phải bù lỗ, phát triển đến quy mô đủ lớn và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Vicostone, Bamboo Capital, Hoa Sen
Trong phiên họp cổ đông giữa tháng 4, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Vicostone (Mã: VCS) cho biết đang có một startup về xe tự lái được định giá rất cao, chuẩn bị tiến tới bước gọi vốn và IPO trong thời gian rất ngắn.
"Đây là dự án phát triển xe tự lái, một trong những sản phẩm công nghệ do chính các đơn vị trong tập đoàn phát triển. Công ty này đã được định giá, trong thời gian tới sẽ có rất nhiều nhà đầu tư góp vốn cùng tham gia", ông nói.
Dự án xe tự lái này do Công ty cổ phần Phenikaa X trực tiếp đảm nhiệm, triển khai thực hiện từ năm 2021 đến nay. Phenikaa X là một đơn vị thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn Phenikaa, công ty mẹ của Vicostone.
Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) gần đây cũng nói về kế hoạch IPO hai mảng kinh doanh và sau đó niêm yết cổ phiếu công ty Nhựa Hoa Sen và công ty Ống thép Hoa Sen nếu điều kiện thuận lợi.
Tập đoàn nêu lộ trình muốn ổn định hệ thống siêu thị Hoa Sen Home và mảng kinh doanh của Nhựa Hoa Sen để có thể hoạt động độc lập, sau đó định hướng chuyển giao toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh ống thép cho Ống thép Hoa Sen.
Trong đó, Ống thép Hoa Sen sẽ được xem xét thành lập dựa trên việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ do tập đoàn sở hữu 99% vốn điều lệ. Công ty con này sẽ trở thành đơn vị chủ lực trong mảng sản xuất ống thép.
Theo tài liệu họp cổ đông 2024, Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG) có ý định tăng vốn điều lệ cho Bảo hiểm AAA và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Bamboo Capital đã IPO thành công một đơn vị khác là BCG Land trong mảng bất động sản. Quá trình này được khởi động từ giữa năm 2022, nhưng do thị trường bất động sản và chứng khoán biến động nên tiến độ IPO kéo dài hơn so với kế hoạch. Mảng năng lượng do BCG Energy đảm nhận cũng có kế hoạch IPO nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Xem thêm tại vietnambiz.vn